Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cà Mau, Quảng Ngãi và Tuyên Quang. Dự phiên thảo luận có đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định và 2 đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu và bày tỏ tán thành sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn được nêu trong các tờ trình. Việc sửa đổi, bổ sung các luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Góp ý kiến vào Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng cần làm rõ chức năng, vị trí, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh đối với nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Tại khoản 1, điều 15 dự thảo luật cần bổ sung nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh trong công tác phòng, chống lãng phí như quy định vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ để đồng bộ chức năng giữa Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh. Đề nghị bỏ 3 điều từ Điều 12 đến Điều 14 quy định chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, bởi điều 7, khoản 3 và khoản 5 đã giao Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Vì vậy không cần thiết phải có thêm quy định cụ thể trong luật, vì sẽ gây trùng lặp, cồng kềnh.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định hoàn toàn đồng ý với đề xuất tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ con số hiện tại lên tối đa 27 người và bổ sung thêm đối tượng là những người có từ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng các vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại Tòa án nhân dân tối cao vào vị trí thẩm phán tối cao. Đối với tổ chức bộ máy, Dự thảo Luật đề xuất thành lập 3 tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết các bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử là hợp lý, góp phần chia sẻ gánh nặng cho Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đối với giám đốc thẩm và tái thẩm, đây là những công việc mang tính chuyên môn sâu thì cần có thêm các giải pháp đồng bộ hơn về con người và tổ chức. Đối với việc thành lập các tòa chuyên trách như tòa kinh tế, tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án khu vực, các đại biểu cho rằng đây là những lĩnh vực rất đặc thù, cần có thẩm phán am hiểu chuyên sâu và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, không nên tổ chức đại trà mà chỉ thành lập ở những địa phương có nhu cầu thực tiễn cao, nhiều vụ việc liên quan. Riêng Tòa kinh tế nên được thành lập tại tất cả các Tòa án khu vực vì các tranh chấp kinh tế, quốc tế ngày càng phổ biến...

Tin Văn Trọng, Ảnh PV

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-nong/202505/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nam-dinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-cac-du-an-luat-e196d0b/
Zalo