Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong quy hoạch

Chiều 10/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch....

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu nhấn mạnh, cả ba dự án luật này đều là luật sửa đổi và đã được các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị nội dung sửa đổi hết sức kỹ lưỡng và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra và trình bày tại các báo cáo gửi cho Quốc hội.

Những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại 3 dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và giải quyết các vấn đề trong công tác quy hoạch có tính cấp bách cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

*Đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là các dự án luật rất quan trọng, nhất là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch, sau đó Chính phủ có nghị định, bộ có thông tư triển khai tới các địa phương, nhưng đến nay xuất hiện nhiều vấn đề ách tắc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, chúng ta tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, trong cấp xã có phường, đặc khu. Do đó, dự thảo luật mới phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, tăng cường yếu tố phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, lần này sửa đổi Luật Quy hoạch, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Quốc hội sẽ ban hành bộ khung, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn, bộ sẽ có thông tư hướng dẫn, HĐND các địa phương sẽ ban hành nghị quyết hướng dẫn. Do quy hoạch liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, việc bổ sung quy hoạch cần được xem xét trong tương quan trong các luật khác (Luật Đất đai, Luật Đô thị và nông thôn, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất khoáng sản…).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đã là quy hoạch, tính minh bạch và đồng bộ phải cao. “Công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến thực sự của nhân dân, đặc biệt là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp, thiết lập cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu và gợi ý, việc có cơ chế giám sát, Quốc hội, HĐND các địa phương, mặt trận, đoàn thể, nhân dân là những chủ thể giám sát quy hoạch.

Lần này, Luật Quy hoạch sẽ đổi mới mạnh mẽ trong việc phân cấp, phân quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch. Theo đó, sẽ phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cùng thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), việc quy định rõ các loại quy hoạch trong hệ thống là hợp lý. Song, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (2022), hiện vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để kết nối giữa quy hoạch các ngành và các cấp, dẫn đến tình trạng “cát cứ dữ liệu" và thiếu liên thông. Do đó, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu giữa các loại quy hoạch, đồng thời quy định rõ quy trình rà soát danh mục quy hoạch ngành, trong đó bắt buộc lấy ý kiến các cơ quan chủ quản chuyên ngành.

Đề cập đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, với quy hoạch cấp tỉnh, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng chỉ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, cần phải điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch cấp tỉnh hiện có để phù hợp với bản đồ hành chính mới. Cùng với đó, khi không còn cấp huyện, việc xác định quy hoạch cấp huyện cũng không còn cơ sở pháp lý, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh việc cấp cơ sở tiếp tục thực hiện.

Việt Đức/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-bao-dam-tinh-minh-bach-va-dong-bo-trong-quy-hoach/373111.html
Zalo