Kỳ họp bất thường thứ 9 Quốc hội khóa XV: Chốt bộ máy, nhân sự Chính phủ, Quốc hội
Hôm nay (ngày 18/2), Quốc hội sẽ 'chốt' các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ.
Trao đổi với Tiền Phong trước ngày Quốc hội biểu quyết thông qua các nội dung trên, một số đại biểu cho rằng, để bộ máy sau sắp xếp hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan rất quan trọng, nhất là trong việc “hóa giải” các khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh sau khi bộ máy mới chính thức đi vào hoạt động.
Một số Bộ trưởng nhận công tác mới
Theo chương trình của kỳ họp, sáng 18/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Tại tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm: 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ, ngành và 3 cơ quan so với hiện nay. Còn ở khối Quốc hội, trong phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban, giảm 2 đơn vị so với hiện tại.
Cùng với việc quyết cơ cấu tổ chức bộ máy, Quốc hội xem xét công tác nhân sự. Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 18 thành viên, gồm: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội là: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Trong khi đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 27 thành viên gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, 5 Phó thủ tướng gồm các ông: Nguyễn Hòa Bình (Thường trực); Trần Hồng Hà; Lê Thành Long; Hồ Đức Phớc; Bùi Thanh Sơn (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) và các bộ trưởng, trưởng ngành.
Thời gian qua, cùng với việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, bố trí công tác cán bộ, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã được điều động, bổ nhiệm vị trí mới. Cụ thể: Đối với việc hợp nhất Bộ GTVT với Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng; hiện Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã được Bộ Chính trị điều động phân công giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, còn người giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT hiện tại là ông Trần Hồng Minh.
Với Bộ Khoa học và Công nghệ được hợp nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông; hiện người giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là ông Nguyễn Mạnh Hùng, còn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt vừa được Bộ Chính trị điều động phân công, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Đối với Bộ Dân tộc - Tôn giáo được thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ; theo quyết định của cấp có thẩm quyền, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Trong khi đó, Bộ Nội vụ được thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới. Hiện người giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là bà Phạm Thị Thanh Trà, còn người giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là ông Đào Ngọc Dung.
Đối với Bộ Tài chính được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư; hiện người giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính là ông Nguyễn Văn Thắng, còn nhân sự giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là ông Nguyễn Chí Dũng. Hay việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện người giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là ông Đỗ Đức Duy, còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là ông Lê Minh Hoan.
Trách nhiệm, bản lĩnh người đứng đầu
Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh), Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam bày tỏ kỳ vọng việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ giúp giảm thủ tục hành chính, giúp tiến độ giải quyết công việc nhanh và thuận lợi hơn. Từng là lãnh đạo địa phương, ông Hậu kể, có những vấn đề chỉ riêng việc xin đầy đủ ý kiến từ các cơ quan, đơn vị đã mất rất nhiều thời gian. “Sợ sai, sợ trách nhiệm nên cứ đơn vị này, nhìn đơn vị kia; cấp dưới nhìn cấp trên, cấp trên nhìn cấp dưới; cấp trên thì cứ muốn cấp dưới trình lên, còn cấp dưới thì cứ muốn cấp trên có định hướng, thành thử sở, ngành nhìn nhau, công việc rất chậm trễ”, ông Hậu nói.
Vì thế, theo ông Hậu, việc cải cách tổ chức bộ máy là cấp thiết để tạo động lực mới cho phát triển. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được ông Hậu nêu ra là, hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị sau khi đi vào hoạt động. “Sau khi sáp nhập, khối lượng công việc giải quyết của các bộ, ngành sẽ tăng lên, đồng thời cũng có thể nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định thời gian đầu. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự có năng lực, bản lĩnh, công tâm, khách quan để giải quyết các vấn đề nảy sinh, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Hậu nói.
“Sau khi sáp nhập, khối lượng công việc giải quyết của các bộ, ngành sẽ tăng lên, đồng thời cũng có thể nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định thời gian đầu. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự có năng lực, bản lĩnh, công tâm, khách quan để giải quyết các vấn đề nảy sinh, giúp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_20_51500448/042c21060c48e516bc59.jpg)
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh)
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm đầu mối, bớt đi các khâu trung gian và các thủ tục hành chính không cần thiết. “Trước đây, 10 người gánh 200 kg thì câu hỏi đặt ra lúc này là: 5 người có gánh vác được khối lượng đó hay không? Nếu chúng ta chọn được 5 người thực sự “khỏe mạnh”, có năng lực hoàn toàn có thể gánh vác được”, ông An nói.
Tuy nhiên, vị Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhìn nhận, trong giai đoạn chuyển tiếp từ bộ máy cũ sang bộ máy mới có thể nảy sinh những vướng mắc, bất cập. “Không phải cứ xây xong nhà là có thể vào ở tươm tất ngay được, cái gì cũng phải có thời gian để sắp xếp, điều chỉnh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là thời gian sắp xếp sao nhanh nhất, không được để ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp”, ông An nói. Để thực hiện được điều này, theo ông An, vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn nhân sự có năng lực, có tâm huyết và phù hợp với bộ máy mới.
Trước đó, khi thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương rất đúng, không chỉ nhằm “tiết kiệm tiền” mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển. Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, cần xác định được mô hình tổ chức bộ máy, hệ thống quy định pháp luật và bố trí cán bộ. Theo đó, mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy cơ bản được đồng tình từ Trung ương đến địa phương, Quốc hội và Chính phủ. Và khi đã thống nhất thì bố trí cán bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực thi pháp luật đúng quy định.