Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định rõ cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân; việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 điều.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Đáng chú ý, tại Luật đã quy định rõ về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân. Cụ thể, Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên theo quy định của Chính phủ.
Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên.
Công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch, số lượng Ủy viên Ủy ban nhân dân các cấp, khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; trình tự, thủ tục đề nghị Hội đồng nhân dân bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân, bảo đảm liên thông, kết nối với thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân; trình tự, thủ tục điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương.
Đồng thời, Luật Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) uy định hoạt động của Ủy ban nhân dân. Ủy ban nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần. Ủy ban nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất trong các trường hợp sau đây: Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định; theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân.
Những nội dung sau đây phải được Ủy ban nhân dân thảo luận và quyết định gồm: Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chiến lược; quy hoạch; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch tài chính 5 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, hàng quý, 6 tháng, cả năm hoặc những vấn đề quan trọng, đột xuất và những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân; việc thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân; thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính các cấp để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân hàng năm; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và việc thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân; những vấn đề mà pháp luật quy định Ủy ban nhân dân phải thảo luận và quyết định; những vấn đề khác theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.
Quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã biểu quyết. Việc biểu quyết có thể được thực hiện tại phiên họp Ủy ban nhân dân hoặc bằng phiếu lấy ý kiến các thành viên Ủy ban nhân dân.
Ủy ban nhân dân được ủy quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân hoặc những vấn đề đã được Ủy ban nhân dân thống nhất về chủ trương, nguyên tắc, trừ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo hoặc giao Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo tại phiên họp Ủy ban nhân dân gần nhất về những vấn đề đã quyết định.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong lĩnh vực, địa bàn công tác và phạm vi quyền hạn được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công và chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân và trước pháp luật về các quyết định thuộc lĩnh vực, địa bàn, phạm vi quyền hạn được phân công.
Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công thay mặt Chủ tịch Ủy ban nhân dân lãnh đạo công tác của Ủy ban nhân dân.
Ủy viên Ủy ban nhân dân thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công; tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Ủy ban nhân dân; cùng tập thể Ủy ban nhân dân quyết định và liên đới chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân.
Điều động, cách chức được quy định ra sao?
Tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng quy định về việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.
Về giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, trong thời gian khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) ngày 20/2, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp và thống nhất với các quy định có liên quan.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm có sự phân biệt nhất định về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp, tạo cơ sở cho việc tiếp tục quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, ổn định, lâu dài của Luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào điểm e khoản 1 Điều 17 quy định về việc Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong những trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Việc bổ sung các quy định này bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của địa phương nhưng vẫn bảo đảm được cơ chế kiểm soát của chính quyền cấp trung ương và bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã biểu quyết. Việc biểu quyết có thể được thực hiện tại phiên họp Ủy ban nhân dân hoặc bằng phiếu lấy ý kiến các thành viên Ủy ban nhân dân.