Kỳ cuối: Soi vào huyền thoại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Lịch sử Hải quân Việt Nam ghi những trang vàng về Đoàn tàu Không số. Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã lập nên những kỳ tích trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt: Xuất kích gần 1.900 chuyến tàu Không số, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, đạn dược, khí tài quân sự... chi viện cho chiến trường miền Nam. Có những loại vũ khí siêu trường siêu trọng như thủy lôi Kb nặng 1.800kg, không thể vận chuyển trên đường Trường Sơn, tàu Không số đã chở vào chi viện cho chiến trường, giúp bộ đội đặc công Rừng Sác đánh tàu Victoria tại sông Sài Gòn.
Lan tỏa niềm tự hào
Trong hồi ký Nhớ và ghi lại, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh viết: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, khi đã chỉ huy 12 chuyến tàu “sinh - tử” ra vào bến bãi an toàn, trong đó có 3 chuyến vào bến Vũng Rô quê nhà vào tháng 11/1964”. Theo vị thuyền trưởng tàu 41, nếu chỉ tính mỗi chuyến đi về 4.000 cây số thì chặng đường con tàu của ông cộng lại đã vượt quá một lần đi vòng quanh địa cầu - một chu vi đầy hy sinh, chết chóc!
Trên những hành trình sinh tử vượt biển Đông của những chuyến tàu Không số đưa vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều người lính hải quân can trường đã hy sinh anh dũng, “máu của các anh hòa vào nước biển Đông, hóa thành sóng nước”. Chính vì vậy, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh - người lính đã bước qua 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, tâm niệm: “Được sống và chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất và cho tới hôm nay là điều may mắn và quý giá nhất. Phải sống cho xứng đáng”.
Bao năm qua, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh trở thành người kể chuyện về những chuyến tàu Không số, về bản anh hùng ca trên biển Đông cho thế hệ sau. Bao chuyến đi cảm tử của những người lính biển được chính ông - một người trong cuộc kể lại đầy sống động và chân thực, đã lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, lan tỏa niềm tự hào về QĐND Việt Nam nói chung, Hải quân nói riêng.
Bến Vũng Rô - nơi Phú Yên đón những chuyến tàu Không số vận chuyển vũ khí, đạn dược... chi viện cho chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên - được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997. Tại đây, Quân chủng Hải quân đã xây dựng Bia di tích bến Vũng Rô, cùng với 3 bến khác ở miền Nam. Công trình Nhà tưởng niệm liệt sĩ Đoàn tàu Không số cũng đã được xây dựng, ghi nhớ sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số - những người đã hòa máu đỏ vào đại dương thăm thẳm, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc - Nam sum họp, đất nước hòa bình.
Khu di tích lịch sử Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa) là một địa chỉ đỏ nổi tiếng ở Phú Yên - nơi giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng, và là một điểm đến đặc biệt đối với nhiều du khách.
Theo thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, ký ức về những ngày cùng con tàu và đồng đội “Rạch biển Đông cứu sơn hà”, bao kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, tình nghĩa vợ chồng, gia đình cứ ùa về; ông muốn cầm bút ghi lại nhưng rồi cứ lần lữa.
“Cho đến một ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính về thăm và thắp hương tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bến tàu Không số Vũng Rô. Thủ tướng bảo với tôi rằng: “Bác phải cố nhớ và ghi lại những gì mà Đoàn tàu Không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt tại bến Vũng Rô này. Nếu chậm trễ thì thế hệ con cháu mai sau sẽ không hiểu được thế hệ cha ông các cháu đã đánh giặc giành lại độc lập tự do thống nhất nước nhà như thế nào và lịch sử nước nhà sẽ có một khoảng trống”. Câu nói đó đã trở thành động lực để tôi ghi lại những sự kiện, những kỷ niệm không thể phai mờ trong tôi”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh chia sẻ về sự ra đời của quyển hồi ký Nhớ và ghi lại.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Trong bài Đường Hồ Chí Minh trên biển - Tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng đăng trong tập sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) đã viết: “... nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấy rõ hơn tầm vóc và những kỳ tích vĩ đại của Đoàn vận tải 125 và tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, cũng như sự hy sinh to lớn của quân và dân cả nước trong những năm tháng bám trụ, chiến đấu kiên cường trên tuyến chi viện chiến lược này.
Ôn lại lịch sử hào hùng, chúng ta càng thấy rõ hơn khát vọng và giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và tự hào về lịch sử, truyền thống của dân tộc, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân, Quân đội anh hùng, về tầm quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Theo đồng chí Lương Cường, từ thắng lợi của tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng khi mở đường Hồ Chí Minh trên biển, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đòi hỏi toàn dân, toàn quân phải tiếp tục mài sắc ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
“Trong điều kiện hoàn cảnh nào đều phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện “toàn diện, đồng bộ Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành”; luôn nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch cả bên trong và bên ngoài biên giới, lãnh thổ; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.
Trong điều kiện, hoàn cảnh nào đều phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
*
62 năm trôi qua kể từ ngày chuyến tàu Không số đầu tiên vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, và đã gần tròn 60 năm kể từ ngày bến Vũng Rô đón chuyến tàu Không số đầu tiên - tàu 41. Những người lính hải quân từng tham gia những chuyến tàu Không số và quân - dân tại các bến đón tàu luôn tự hào khi được góp sức mình vào công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, trong gian khó, hiểm nguy vẫn luôn bền gan, vững chí.
Những con thuyền bé nhỏ, chạy đua với mặt trời
Lướt theo hình bán đảo, gợi nên những đường mòn
Tháng năm còn giữ lại, bản lướt sóng miệt mài
Những binh đoàn thép lửa, chạy đua với thời gian, chi viện tiền tuyến...
(Đường Hồ Chí Minh trên biển - nhạc sĩ Nguyễn Cường)
Chiến tranh lùi xa nhưng bản hùng ca về đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn vang vọng. Đó là bản hùng ca về tinh thần quả cảm, kiên cường, được hun đúc từ khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Bản hùng ca đó nhắc nhở các thế hệ sau sống sao cho xứng đáng.