Kỳ 2: Giá trị nhân văn và phục vụ an sinh từ Đề án 06
Phục vụ an sinh chính là đích đến cuối cùng từ Đề án 06 của Chính phủ về 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030', ở Lai Châu cũng không ngoại lệ. Nhưng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp bao đời của người Việt Nam: 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây', 'Uống nước nhớ nguồn', thì Đề án 06 đã thể hiện rõ mục tiêu đó thông qua chủ trương thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ vừa được tỉnh Lai Châu thực hiện đầu tháng 5 vừa qua.
*Kỳ 1: Khai thác dữ liệu - Đột phá trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Hành trình tri ân đầy cảm xúc
Dư âm của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và ngày quốc tế lao động (1/5) chưa kịp lắng xuống, đầu tháng 5, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh phối hợp với Công ty GeneStory (được Bộ Công an chỉ định) tổ chức thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Lai Châu để phục vụ đối sánh, xác minh danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch quốc gia nhằm xác định danh tính hơn 300.000 liệt sỹ chưa rõ tên tuổi trên cả nước. Với điều kiện đặc thù về địa hình như Lai Châu, có lẽ hiếm địa phương nào công tác lấy mẫu lại khó khăn, nhọc nhằn đến vậy.
Đằng sau mỗi mẫu ADN là cả một hành trình vất vả nhưng thấm đẫm nghĩa tình tri ân với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Do địa bàn rộng, chia cắt, dân cư thưa thớt… việc đến được nhà thân nhân liệt sỹ - nhiều mẹ đã trên 90, thậm chí hơn 100 tuổi, sống ở những bản làng cheo leo, cách trở không phải là chuyện dễ dàng. Hình ảnh thật xúc động khi những chiến sỹ công an xã cõng mẹ liệt sỹ vượt qua suối sâu, nước chảy xiết để đến được nơi tập kết lấy mẫu. Có những bản không thể chở mẹ liệt sỹ bằng xe máy do đường xóc, dốc, nguy hiểm nên lực lượng phải dìu các mẹ đi từng bước một. Việc lấy mẫu có thể phải tranh thủ làm cả ban đêm để kịp cho cán bộ đến làm nhiệm vụ ở nhiều nơi khác…
Trăm ngàn gian khó trong thực hiện nhiệm vụ này nhưng: “Có những mẹ liệt sỹ đã già yếu, không còn đi lại được nhưng vẫn nắm chặt tay chúng tôi và nói trong nước mắt: “Tôi chỉ mong biết được con tôi đang nằm ở đâu, tôi nhắm mắt cũng yên lòng…” là bao mệt mỏi của tổ công tác đều tan biến. Chúng tôi làm vì “mệnh lệnh không lời” với nhân dân, Tổ quốc và với những người lính đã ngã xuống cho nền hòa bình độc lập hôm nay” - Trung úy Phan Doãn Hiển, Công an xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) nghẹn ngào.
Ưu tiên lấy mẫu cho những mẹ liệt sỹ có tuổi đời cao là bởi giờ đây, các mẹ như những “ngọn đèn dầu trước gió”, thế nên Tổ công tác 06 của tỉnh Lai Châu đã phải vượt đèo, băng suối, đi bộ hàng giờ đồng hồ, mang theo thiết bị lấy mẫu, dụng cụ y tế… để kịp “thời gian vàng”. Có khi đi cả ngày mới lấy được một mẫu. Không chỉ lấy mẫu máu, việc thuyết phục, giải thích, hướng dẫn kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình lấy mẫu đúng chuẩn, đủ điều kiện khoa học cũng là công đoạn công phu. Mọi dữ liệu sau khi thu thập đều được xử lý, mã hóa, kết nối và tích hợp vào thẻ CCCD gắn chip của thân nhân để phục vụ quá trình truy xuất, đối chiếu nhanh chóng.

Ở địa bàn miền núi Lai Châu, quá trình thực hiện Đề án 06, lực lượng công an Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Trong đợt 1 thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sỹ, tại thành phố Lai Châu và 3 huyện: Than Uyên, Mường Tè, Phong Thổ, tổ công tác đã thu thập mẫu ADN được lấy từ mẹ đẻ, anh chị em ruột, cháu ruột gọi bằng cô, dì, cậu, bác của thân nhân 4 liệt sỹ: Nguyễn Văn Thiện, Pờ Go Giá, Hà Văn Mán, Lò Văn Chải. Sau đó tiến hành đối chiếu với các mẫu lưu trữ tại nghĩa trang liệt sỹ, đơn vị quân đội, Bộ Nội vụ.
Theo đánh giá của tỉnh, hoạt động lấy mẫu ADN để xác định danh tính liệt sỹ là một trong những kết quả tiêu biểu, mang tính nhân văn sâu sắc của Đề án 06 đối với địa phương. Đây không chỉ là hoạt động phục vụ an sinh xã hội, còn là biểu tượng của sự tri ân bằng công nghệ với tiến bộ khoa học hiện đại. Khi danh tính liệt sỹ được xác minh, các gia đình có thể thực hiện các thủ tục đón hài cốt về quê hương, hoàn tất di nguyện của cha mẹ, dòng tộc, đồng thời được hỗ trợ các chính sách theo quy định về người có công. Quá trình này còn giúp cơ quan chức năng quản lý, số hóa dữ liệu người có công một cách chính xác, hiệu quả.
Nỗi niềm cán bộ vùng biên
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án 06 của Chính phủ và 2 dự án trọng điểm thuộc Bộ Công an là cấp CCCD gắn chip và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an tỉnh xác định rõ: Đây không đơn thuần là nhiệm vụ kỹ thuật, mà là trách nhiệm chính trị quan trọng, gắn liền với an sinh xã hội, cải cách hành chính và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Với đặc thù địa hình núi cao, giao thông chia cắt, nhiều xã, bản không có sóng điện thoại, không có điện lưới quốc gia, việc triển khai đồng loạt cấp CCCD cho hơn 336.000 công dân trên toàn tỉnh là một nhiệm vụ đầy khó khăn, vất vả. Thế nhưng, lực lượng Công an Lai Châu đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch “cuốn chiếu”, thành lập hàng chục tổ công tác lưu động, mang theo thiết bị đến tận bản xa, từng hộ dân để thu nhận hồ sơ, lăn tay, chụp ảnh cho người dân. Đại tá Nguyễn Xuân Hương - nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, người có thâm niên và dốc hết sức lực trong những năm công tác cuối cùng cho Đề án 06 của Công an tỉnh chia sẻ: "Có những chuyến công tác chúng tôi phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng, vượt suối, leo đèo, có khi cắm bản cả tuần để thu nhận đủ hồ sơ. Nhưng không ai nản chí, bởi chúng tôi hiểu, đây là quyền lợi của người dân, là bước đầu tiên để đưa các dịch vụ công đến với từng gia đình vùng cao. Chúng tôi không thể đợi dân đến trụ sở, mà phải tìm đến dân”.
Kết quả đạt được từ Đề án 06 không chỉ là những con số, những tiện ích công nghệ, mà là những giá trị nhân văn sâu sắc đang hiện hữu trong từng ngôi nhà, từng bản làng, từng người dân tỉnh Lai Châu. Việc sử dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử để phục vụ xác minh danh tính liệt sỹ là dấu mốc lớn về ứng dụng công nghệ trong an sinh xã hội, góp phần hiện thực hóa chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chính quyền số nhân văn, gần dân, phục vụ dân.
Trên nền tảng đã đạt được, Lai Châu tiếp tục nỗ lực triển khai Đề án 06 sâu rộng, linh hoạt và hiệu quả hơn, để mỗi người dân, dù ở vùng núi xa xôi hay khu vực trung tâm đều có thể cảm nhận rõ rệt giá trị của công nghệ số trong đời sống và trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.
(Còn nữa)