Tiếp tục khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa Pháp và Việt Nam

Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 - 27/5/2025.

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm và quan hệ hợp tác hai nước. Ảnh: Việt Đức/TTXVN

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm và quan hệ hợp tác hai nước. Ảnh: Việt Đức/TTXVN

Nhân dịp này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm và quan hệ hợp tác hai nước.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024. Diễn ra chỉ 8 tháng sau khi hai nước xác lập quan hệ ngoại giao ở cấp độ cao nhất, theo Đại sứ, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ hai nước?

Theo lời mời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 25-27/5. Đây là chuyến thăm hết sức quan trọng trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân, gồm: Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Chuyến công du Đông Nam Á lần này của Tổng thống Pháp cũng nằm trong khuôn khổ triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp được đưa ra từ năm 2018, thể hiện mong muốn, cam kết mạnh mẽ hơn nữa của Pháp đối với các đối tác trong khu vực này, tạo nên quan hệ đối tác vì sự ổn định, phát triển.

Trong chuyến thăm ba nước Đông Nam Á lần này, Tổng thống Pháp mong muốn thăm Việt Nam đầu tiên, thể hiện rõ mối quan hệ hết sức đặc biệt cũng như mạnh mẽ giữa Pháp và Việt Nam.

Tháng 10 năm ngoái, nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Và 8 tháng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sắp tới của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm khẳng định một lần nữa sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương cũng như khuôn khổ quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã thiết lập được.

Chúng tôi hy vọng rằng trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp, trên cơ sở quan hệ đối tác tin cậy, hai nước chúng ta sẽ tăng cường mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên các lĩnh vực, từ chính trị, đến kinh tế, nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn hóa, quốc phòng cũng như cả những vấn đề thách thức mang tính toàn cầu. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa hai bên sẽ là dịp để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Pháp và Việt Nam. Điều này sẽ được thể hiện bằng những hành động rất cụ thể trong thời gian tới.

Với ý nghĩa và kỳ vọng về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Emmanuel Macron, Đại sứ có thể chia sẻ chương trình nghị sự lãnh đạo hai nước sẽ bàn thảo, cũng như những hoạt động nổi bật của Tổng thống Pháp thăm Việt Nam?

Chương trình làm việc của Tổng thống Pháp tại Việt Nam chủ yếu là các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có một số hoạt động khác, trong đó đặc biệt là hoạt động tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, còn được gọi là Trường Đại học Việt - Pháp. Tại đây, Tổng thống sẽ gặp gỡ các bạn thanh niên, sinh viên của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo khác của Pháp, như chương trình đào tạo quản lý Pháp-Việt tại Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG), hay chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV). Tổng thống Pháp sẽ có một bài phát biểu hướng tới thanh niên Việt Nam, nhấn mạnh đến quan hệ song phương cũng như tương lai quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta, trong đó có đề cập đến vai trò của thanh niên cũng như sự hỗ trợ của Pháp trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo.

Trong chương trình chuyến thăm còn có chương trình nhấn vào mối quan tâm hợp tác kinh tế giữa hai bên. Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam lần này được nhiều Bộ trưởng tháp tùng, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính cũng như Bộ trưởng Bộ Quân đội. Đây là dịp các Bộ trưởng có thể gặp gỡ các đối tác cả phía Pháp và Việt Nam để thúc đẩy một số dự án hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế cũng như là trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Một chủ đề nghị sự quan trọng nữa trong chuyến thăm lần này là các phương thức để Pháp đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng. Dự kiến sẽ có một văn kiện được ký kết giữa Cơ quan phát triển Pháp (AFD) với Tổng công ty truyền tải điện quốc gia để xây dựng đường dây truyền tải điện. Dự án này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ của Pháp với Việt Nam thực hiện cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP ). Đây là văn kiện quan trọng trên phương diện kinh tế, chính trị, vì thể hiện rõ những điều Pháp có thể đồng hành cùng Việt Nam trong khuôn khổ triển khai chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là trong khuôn khổ thực hiện JETP.

Trong các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Pháp với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, những vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu cũng được đề cập đến. Ví dụ như sắp tới, vào tháng 6/2025, Pháp sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ ba về Đại dương tại Nice. Tôi được biết, Việt Nam sẽ cử một đoàn cấp cao tham dự sự kiện này. Đây là một trong những chủ đề mà Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đề cập với các lãnh đạo Việt Nam.

Có thể nói, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp là dịp để khẳng định sự mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, cũng như mong muốn tăng cường quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để hai phía khẳng định quyết tâm để cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác hiện đại, năng động có cấu trúc và tôn trọng lợi ích cũng như chủ quyền của mỗi quốc gia chúng ta.

Theo Đại sứ, trong thời gian tới, hai nước sẽ tập trung tăng cường, đi sâu hợp tác trong những lĩnh vực nào?

Những lĩnh vực như năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân cũng như giao thông hay những công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) là những lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn tăng cường ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng ta thấy rằng đây là những lĩnh vực đáp ứng được nhu cầu và trình độ của Việt Nam. Phía Pháp đặc biệt quan tâm đến những tầm nhìn mà Việt Nam đã đưa ra, đặc biệt là những dự án lớn phát triển hạ tầng chiến lược Việt Nam, ví dụ như dự án liên quan đến đường sắt tốc độ cao của Việt Nam. Đây là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp Pháp có thế mạnh.

Trong thời gian vừa qua, có nhiều đoàn của Pháp sang Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn nhu cầu phát triển của Việt Nam. Trong những chuyến thăm đó có thể kể ra chuyến thăm của Bộ trưởng Giao thông Pháp Philippe Tabarot sang Việt Nam (tháng 3/2025). Nhân dịp này, Bộ trưởng đã tham dự Hội thảo Việt - Pháp về đường sắt tốc độ cao. Chúng tôi hy vọng những cuộc tiếp xúc đó sẽ được tiếp tục để mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai bên.

Được biết, Đại sứ đã làm việc ở Việt Nam được 2 năm. Đại sứ có đánh giá thế nào về tình hữu nghị và giao lưu nhân dân hai nước? Đại sứ quán Pháp đã và sẽ triển khai những kế hoạch và hoạt động nào để tăng cường hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân hai nước?

Quan hệ Pháp - Việt Nam trước hết là những mối quan hệ rất mạnh mẽ giữa nhân dân, thế hệ trẻ hai nước. Trong hơn 30 năm qua, đã có một sự phát triển lớn về các mối liên hệ, quan hệ giữa nhân dân hai nước. Rất nhiều sinh viên Việt Nam đã sang Pháp học tập và quay trở lại Việt Nam, duy trì các mối liên hệ văn hóa với đất nước chúng tôi. Và tôi sẽ nói rằng đó là nền tảng cơ bản mà chúng ta cần tuyệt đối phải duy trì.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh chất lượng hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi không chỉ tổ chức các sự kiện giúp giới thiệu văn hóa Pháp đến Việt Nam, quan trọng hơn là phát triển các mối quan hệ, hợp tác cho phép phát triển điều mà chúng ta gọi là các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện thông qua việc Pháp hỗ trợ tổ chức các lễ hội lớn như Festival Huế mà Pháp đã làm việc với Huế trong 20 năm qua, cùng như vài tháng nữa sẽ là Festival Nhiếp ảnh Hà Nội lần thứ hai.

Đó cũng là tất cả công việc đã được triển khai để giúp phát triển các xưởng phim điện ảnh và hoạt hình ở Việt Nam. Gần đây, chẳng hạn đã có một thỏa thuận được ký kết giữa Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect (Sconnect Academy of Media Arts - SAMA) (Việt Nam) với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trường Gobelins Paris, một trong những trường đào tạo hàng đầu thế giới về lĩnh vực hoạt hình.

Chúng tôi cũng rất vui mừng, đặc biệt là từ sự hợp tác, hỗ trợ, làm việc với chúng tôi, Việt Nam năm nay có một gian hàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 78.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ Olivier Brochet!

Việt Đức/TTXVN

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tiep-tuc-khang-dinh-su-phat-trien-manh-me-cua-quan-he-giua-phap-va-viet-nam-20250523230425194.htm
Zalo