KTS Bùi Thúc Đạt và cuốn sách 'Có ngôi nhà ở trong ta'
Sách 'Có ngôi nhà ở trong ta' của KTS Bùi Thúc Đạt chia sẻ về kiến trúc đô thị Việt Nam và hành trình trở thành cây bút, giúp hiện thực hóa về 'ngôi nhà trong mơ'.
Tọa đàm về cuốn sách Có ngôi nhà ở trong ta của kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt vừa diễn ra. Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách về kiến trúc mà còn là những góc nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa con người, không gian sống và đô thị Việt Nam hiện đại.
Chia sẻ về hành trình viết lách của mình, KTS Bùi Thúc Đạt cho biết ban đầu gặp nhiều khó khăn bởi việc viết không phải sở trường của một kiến trúc sư. Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự kiên trì, anh đã dần trau dồi khả năng viết và may mắn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ Tạp chí Kiến trúc - nơi anh bắt đầu con đường cầm bút.
"Đạt chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết báo hoặc ra sách", tác giả tâm sự. "Ban đầu tôi nghĩ những vấn đề mình quan tâm không phải là điều thị trường Việt Nam hứng thú. Khi viết về một công trình, bạn vừa phải là bạn của kiến trúc sư, vừa phải là bạn của chủ nhà, vừa phải biết khen ngợi cái đẹp", anh nói.
Một trong những điểm đặc biệt của cuốn sách là cách tác giả nhìn nhận về sự "lộn xộn" trong cảnh quan đô thị Việt Nam. Thay vì chỉ trích, anh cho rằng đây có thể là một nét đặc trưng của thời đại, khi công nghệ cho phép con người được tự do thể hiện cá tính trong không gian sống của mình.
"Đó là một điều thú vị của thời đại này. Một ngôi nhà cổ có cửa kính hiện đại cũng được, không sao cả. Nó là dấu vết cho thấy đây là ngôi nhà của thời đại, có sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại", KTS Đạt nhận định.
Trong bối cảnh đô thị hiện đại, vai trò của kiến trúc sư không chỉ dừng lại ở việc thiết kế không gian. Theo KTS Đạt, họ còn là người giúp làm rõ "ngôi nhà trong mơ" của khách hàng - điều mà trong thời đại bùng nổ thông tin, có thể trở nên mơ hồ bởi quá nhiều hình ảnh tham khảo.
"Kiến trúc sư không phải là người thêm vào sự mơ hồ đó, mà là người giúp biến những điều mơ hồ thành cụ thể", anh nhấn mạnh. "Chúng ta luôn có một hình dung về ngôi nhà trong đầu, nhưng nó thường là tổ hợp của nhiều hình ảnh khác nhau trong suốt cuộc đời. Kiến trúc sư sẽ giúp làm rõ hình ảnh đó", anh nói thêm.
Khi được hỏi về lời khuyên cho sinh viên kiến trúc, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách. Anh gợi ý nên bắt đầu với một cuốn sách kinh điển của một giáo sư có uy tín, đọc kỹ từ lời giới thiệu đến những mô tả, và quan trọng nhất là phải đọc cho hết cuốn sách đó.
Có ngôi nhà ở trong ta không chỉ là một cuốn sách về kiến trúc, mà còn là những suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với không gian sống trong xã hội hiện đại. Qua đó, tác giả mong muốn đóng góp một góc nhìn mới về kiến trúc và đô thị Việt Nam, đồng thời tạo cảm hứng cho thế hệ kiến trúc sư trẻ trong hành trình khám phá nghề nghiệp của mình.
Tác phẩm 'Có ngôi nhà ở trong ta'
Trong tác phẩm Có ngôi nhà ở trong ta (Phanbook & NXB Dân Trí vừa ấn hành) Bùi Thúc Đạt cho thấy viết sách cũng là một phần của công việc nghiên cứu, nghiền ngẫm để thực hành kiến trúc.
Cuốn sách dày 196 trang gồm hai phần: Nhà: trong, ngoài, trước, sau và Hình thái, Hình và thái, minh họa bởi chính tác giả. Bùi Thúc Đạt đặt ngôi nhà - trọng tâm của kiến trúc - vào bối cảnh văn hóa và lịch sử, vượt khỏi chức năng ở để trở thành biểu tượng của ký ức, thẩm mỹ và di sản văn hóa. Mỗi chi tiết nội thất, ngoại thất, ánh sáng, màu sắc hay bối cảnh nơi chốn được tác giả phân tích như sự phản chiếu tâm thế sống qua các thời kỳ lịch sử.
Với nền tảng nghiên cứu sâu về kiến trúc thế giới, tác giả sử dụng dữ liệu phong phú và trường liên tưởng rộng để tạo nên những luận điểm thuyết phục và ý tưởng độc đáo. Các bài báo khoa học, giải thưởng uy tín, và ý kiến chuyên gia quốc tế được lồng ghép nhuần nhị, hướng đến không gian sống, hình thái kiến trúc Việt Nam và cách ứng xử với di sản văn hóa trong bối cảnh đô thị hóa thực dụng.
Lê Tiến
Ảnh: PhanBook