KSB tăng gấp đôi vốn điều lệ, đẩy mạnh tái cơ cấu đón sóng tăng trưởng mới
KSB đang thực hiện nhiều giải pháp từ tăng vốn điều lệ, sáp nhập công ty con, đến bổ sung ngành nghề kinh doanh nhằm tạo 'bệ phóng' trong giai đoạn mới.
Tăng gấp đôi vốn điều lệ
Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) đang đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu toàn diện nhằm củng cố nội lực tài chính, tinh giản hệ thống công ty con, và mở rộng lĩnh vực kinh doanh, trong bối cảnh doanh nghiệp chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2025, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị KSB, cho biết công ty đặt mục tiêu xây dựng "bệ phóng" vững chắc thông qua việc tăng gấp đôi vốn điều lệ và tái cấu trúc tài chính.
Theo kế hoạch, KSB sẽ phát hành 114,4 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:1. Nếu phát hành thành công, KSB sẽ thu về hơn 1.144 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức hiện tại lên 2.288 tỷ đồng.
Khoản huy động này sẽ được phân bổ chiến lược: khoảng 690 tỷ đồng dùng để thanh toán gốc và lãi các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại ngân hàng; 200 tỷ đồng dự kiến chi cho việc mua lại trước hạn một phần trái phiếu phát hành tháng 6/2024. Phần còn lại sẽ được sử dụng để trả nợ các công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Cùng với việc tăng vốn, ĐHCĐ cũng thống nhất hủy các phương án phát hành đã được thông qua tại kỳ đại hội năm 2024, bao gồm phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên, và kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Hội đồng quản trị KSB được ủy quyền quyết định thời điểm chào bán, tùy theo diễn biến thị trường và sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, KSB tiếp tục thực hiện các thủ tục để đổi tên công ty từ Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương thành Công ty CP KSB. Thực ra, kế hoạch đổi tên này đã được ĐHCĐ thường niên năm 2024 thông qua, tuy nhiên theo giải thích của ông Đạt, do những yếu tố khách quan nên doanh nghiệp chưa thực hiện được.

Chủ tịch HĐQT KSB Phan Tấn Đạt (phải) và Tổng giám đốc Trần Đình Hà điều hành đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Ảnh: DN
Lợi thế mới
Hoạt động kinh doanh của KSB hiện xoay quanh ba trụ cột chính là khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, KSB vừa bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới là thoát nước, xử lý nước thải; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản và đấu giá quyền sử dụng đất.
Sự bổ sung này, theo ông Đạt, là nhằm tận dụng lợi thế mới khi Luật Địa chất và khoáng sản có hiệu lực từ tháng 7/2025 tạo điều kiện cho KSB gia hạn đối với những mỏ hết giấy phép khai thác.
“Nếu như luật cũ quy định mỏ hết thời hạn khai thác thì bắt buộc doanh nghiệp phải đấu giá lại thì luật mới đã bỏ điều khoản đó và ưu tiên doanh nghiệp đang khai thác được làm các thủ tục theo quy định để gia hạn.
Trường hợp doanh nghiệp đang khai thác ở đó không còn nhu cầu gia hạn nữa thì mới đến lượt doanh nghiệp khác vào thay thế”, ông Đạt phân tích và cho biết, thời gian qua KSB tạm dừng thực hiện các thủ tục gia hạn, mở rộng, xuống sâu với mỏ Phước Vĩnh là để chờ luật mới.
Được biết, mỏ Phước Vĩnh ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương có diện tích cấp phép 29,6ha, trữ lượng 6 triệu m3, công suất 1,2 triệu m3 mỗi năm và giấy phép khai thác hết hạn năm 2023. Mỏ đá Phước Vĩnh đang khai thác ở độ sâu âm 20m, KSB đã xin phép thăm dò xuống độ sâu âm 70m và chuẩn bị xin mở rộng diện tích thêm 25ha.
Mỏ đá Tân Mỹ ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã được quy hoạch xuống âm 120m, dự kiến trong năm nay KSB sẽ làm hồ sơ xin phép thăm dò. Mỏ Tân Mỹ có diện tích 40,9ha, KSB được cấp phép đến 8/2029, đã đưa vào khai thác 29,5 ha. Mỏ đá có trữ lượng 22 triệu m3 nguyên khối, công suất 1,5 triệu m3 nguyên khối/năm.
Mỏ Tam Lập 3 nằm ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương vừa được cấp phép 4/2024, với tổng trữ lượng khai thác nguyên 10,7 triệu m3 đá nguyên khối, công suất khai thác 1 triệu m3 nguyên khối/năm. KSB dự kiến công suất khai thác sẽ đạt 70% vào năm nay và đạt 100% trong năm sau.
Mỏ đá Thiện Tân 7 thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) với diện tích 12,2ha, trữ lượng 5,3 triệu m3, giấy phép đến 29/1/2035.
Ở mảng bất động sản công nghiệp, KSB sẽ tiến hành sáp nhập Công ty TNHH Phát triển khu công nghiệp KSB (KSB IDC), vốn điều lệ 200 tỷ đồng do KSB sở hữu 100% vốn. KSB sẽ thừa kế toàn bộ quyền và nghĩa vụ của KSB IDC trong việc tiếp tục sử dụng lao động theo hiện trạng như trước khi bị sáp nhập.
Do đang sở hữu 100% vốn của KSB IDC nên khi sáp nhập, KSB không phải phát hành thêm cổ phần cũng như tăng vốn điều lệ. KSB sẽ duy trì hoạt động kinh doanh bình thường như trước khi sáp nhập, đồng thời được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, khoản nợ chưa thanh toán và các khoản tài chính khác nếu có.
KSB IDC trước khi sáp nhập là công ty con phụ trách mảng bất động sản công nghiệp của KSB, phát triển các khu công nghiệp với tổng diện tích 900ha. Trong đó, khu công nghiệp Đất Cuốc có diện tích khoảng 553ha, được chia ra làm nhiều giai đoạn, hiện đã lấp đầy khoảng 320ha.
Khu công nghiệp Hoa Lư có diện tích khoảng 350ha, nằm sát của khẩu quốc tế Hoa Lư thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Vừa qua thủ tục pháp lý khu công nghiệp Hoa Lư bị chậm là do vướng đất rừng, nhưng theo ông Đạt, KSB đã xử lý xong và dự kiến đến tháng 9/2025 sẽ có giấy phép xây dựng.
“Khi có giấy phép xây dựng doanh nghiệp sẽ thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, tức là cho thuê đến đâu thì làm hạ tầng đến đó”, ông Đạt nói.
Ngoài ra, KSB cũng đang thực hiện hai hồ sơ để xin đấu thầu chuyển các quỹ đất các mỏ Tân Lập gần 8ha và nhà máy gạch Khánh Bình 4ha đã đóng mở và chuẩn bị đóng sang làm dự án nhà ở xã hội.
KSB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng gấp đôi
Năm 2024, KSB đạt doanh thu thuần 546 tỷ đồng, tương đương 73% kế hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế ghi nhận 84 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch. Năm 2025, KSB lên kế hoạch doanh thu đạt 687 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của KSB đạt 43 tỷ đồng, hoàn thành 28% kế hoạch cả năm.