Đầu tư đào tạo trọng điểm, khơi thông chính sách thu hút nhân tài

Để phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao một cách bền vững, Đại học Bách khoa Hà Nội kiến nghị đầu tư có trọng điểm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, khơi thông chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Chiều 28.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội, về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc

Hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc đi học tiếp

Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức chuyển đổi mô hình từ Trường sang Đại học theo Quyết định số 1512/QĐ-TTg ngày 2.12.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, mô hình tổ chức của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 40 đơn vị: 6 trường thuộc, 4 khoa quản ngành, 3 khoa đại cương, 6 viện nghiên cứu trực thuộc, 12 đơn vị hành chính tập trung, 8 đơn vị dịch vụ - hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp (BK-Holdings).

Nhà trường có 1.149 giảng viên (chiếm tỷ lệ 64,3% tổng số cán bộ), trong đó 850 người trình độ tiến sĩ (chiếm 74%), 25 giáo sư và 272 phó giáo sư.

Về đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội quản lý 57 ngành đào tạo đại học, 38 ngành đào tạo thạc sĩ và 32 ngành đào tạo tiến sĩ; quy mô đào tạo khoảng 41.000 sinh viên đại học chính quy; số sinh viên vừa học vừa làm là 2.379, số học viên sau đại học gồm 1.225 thạc sỹ và 180 nghiên cứu sinh.

Báo cáo Đoàn giám sát, GS.TS Vũ Văn Yêm, Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, là đơn vị đào tạo dẫn đầu cả nước về khoa học kỹ thuật, lãnh đạo Đại học đã có nhiều sáng kiến, xây dựng một số chính sách đãi ngộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, giảng viên; thu hút và phát triển tài năng, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Cụ thể, để đáp ứng nguồn giảng viên cả về số lượng và chất lượng, Đại học triển khai Đề án Thu hút tuyển dụng giảng viên xuất sắc và Đề án tạo nguồn giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, tạo môi trường làm việc dân chủ, minh bạch, cũng như nâng cao hiệu quả làm việc thông qua triển khai đề án vị trí việc làm và thực hiện đánh giá, xếp loại các đơn vị, cán bộ minh bạch.

 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 28.4

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội chiều 28.4

“Chính sách phân bổ thu nhập dựa trên vị trí việc làm, năng lực và hiệu quả công việc được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hàng năm đã góp phần tạo cơ hội cho giảng viên trẻ được tham gia giảng dạy nhiều hơn; đồng thời khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu và công bố những công trình có chất lượng”, GS.TS Vũ Văn Yêm nhấn mạnh.

Về đào tạo, giai đoạn 2020 - 2024, quy mô đào tạo bậc đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội có sự tăng trưởng rõ rệt, đạt 41.581 sinh viên vào năm học 2024 - 2025, tăng 7.282 sinh viên, tương đương 21,2% so với năm học 2020 - 2021. GS.TS Vũ Văn Yêm cho biết, sự mở rộng quy mô đào tạo này đến từ việc xây dựng mới các chương trình đào tạo (18 chương trình cử nhân và 25 chương trình kỹ sư chuyên sâu) cập nhật theo xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ và việc tăng tuyển sinh đầu vào các chương trình theo các lĩnh vực trọng điểm mà xã hội đang có nhu cầu lớn, như: công nghệ bán dẫn, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, năng lượng xanh, công nghệ sinh học thực phẩm...

Tỷ lệ sinh viên hài lòng với chất lượng và hiệu quả phục vụ, hỗ trợ sinh viên tăng đều qua từng năm, đạt 85,2% đối với các đơn vị chuyên môn, và đạt 76,6% đối với các đơn vị hành chính và hỗ trợ.

Theo GS.TS Vũ Văn Yêm, bên cạnh yếu tố quyết định là uy tín chất lượng đào tạo, công tác hỗ trợ sinh viên cũng góp phần nâng cao khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Số liệu thống kê năm học 2023 - 2024 cho thấy hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc đi học tiếp sau đại học trong thời gian 3 tháng sau khi tốt nghiệp.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ quan tâm đến tình hình chuyển dịch giảng viên; hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ quan tâm đến tình hình chuyển dịch giảng viên; hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo

Mong muốn được tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư công

Để phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học chất lượng cao, các nhà quản lý giỏi một cách bền vững, Đại học Bách khoa Hà Nội kiến nghị phải có sự đồng bộ từ thiết kế chính sách đến tổ chức thực hiện; đầu tư có trọng điểm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài; khơi thông chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi và hỗ trợ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

 GS.TS Vũ Văn Yêm, Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội, báo cáo Đoàn giám sát

GS.TS Vũ Văn Yêm, Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội, báo cáo Đoàn giám sát

Bổ sung quy định về cơ chế để giảng viên đại học ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật, để khuyến khích, tạo động lực cho giảng viên đại học phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, tự do nghiên cứu và trao đổi học thuật; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn được tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư công hơn: nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển; vốn vay ưu đãi của các tổ chức nước ngoài như WB, ADB...; nguồn ngân sách nhà nước sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp khoa học - công nghệ… để khởi công mới các dự án công trình đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên phát triển và hiện đại hóa nhà trường.

Tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã tìm hiểu thêm về chiến lược đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; các chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên, sinh viên giỏi của trường trong mối tương quan với các cơ sở giáo dục đại học khác; khuyến nghị của nhà trường trong đào tạo những ngành, nghề mới nổi; tình hình chuyển dịch giảng viên; hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo...

 PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Đoàn giám sát ghi nhận những đóng góp của Đại học Bách khoa Hà Nội với sự nghiệp đào tạo nói chung, cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đối với một số ngành nghề quan trọng của đất nước; đồng thời tin tưởng nhà trường sẽ còn đóng góp lớn hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, xứng đáng với vị thế là cơ sở giáo dục đại học kỹ thuật trọng điểm quốc gia.

Đoàn giám sát cũng chia sẻ với nhà trường khi trong quá trình hoạt động còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo hoặc không phù hợp. Tuy nhiên, nhà trường đã linh hoạt, tiên phong để có cách làm mới, khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Những kiến nghị của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đồng thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đoàn giám sát mong muốn, với tiềm lực và những thành tích trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát huy truyền thống, trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, như Đảng, Nhà nước giao.

+ Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát cũng đã nghe báo cáo của Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội và trao đổi một số vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.

Tin và ảnh: Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dau-tu-dao-tao-trong-diem-khoi-thong-chinh-sach-thu-hut-nhan-tai-post411798.html
Zalo