Kon Tum: Thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới

Kết cấu hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư và có những bước phát triển nhất định

Chợ biên giới xã Sa Thầy là một trong 2 chợ biên giới đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Chợ biên giới xã Sa Thầy là một trong 2 chợ biên giới đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, kết cấu hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư và có những bước phát triển nhất định, giao thông đi lại thuận tiện, đầu tư một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn nên hạ tầng thương mại của tỉnh dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng thương mại biên giới của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 chợ biên giới đang hoạt động Chợ xã Rờ Kơi - Sa Thầy và chợ dân sinh xã Bờ Y - Ngọc Hồi. Hiện nay, dự án chợ biên giới tại Khu I - Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đang trong quá trình kêu gọi đầu tư và xây dựng một số hạng mục của dự án.

Theo định hướng trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp các quy hoạch liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới bao gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, logistics,… Đồng thời, khai thác tối đa lợi thế hiện có của hạ tầng thương mại biên giới. Phát triển đồng bộ các kết cấu hạ tầng cho thương mại biên giới, đưa hạ tầng vật chất kỹ thuật trở thành tiền đề mở đường cho thương mại biên giới phát triển.

Báo cáo về hoạt động hạ tầng thương mại biên giới mới đây của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện Kế hoạch số 1889/KH-UBND ngày 09/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Kon Tum, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực biên giới như: Giao thông; bưu chính viễn thông; hệ thống cấp, thoát nước; xử lý chất thải, môi trường, y tế, giáo dục. Cùng đó, đề xuất các nội dung về phát triển hạ tầng thương mại biên giới để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động kho bãi, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa như lâm, nông sản, hàng tiêu dùng gia đình từ Thái Lan, Lào về Việt Nam; các mặt hàng xuất khẩu như các sản phẩm hàng tiêu dùng tiêu dùng, vật liệu xây dựng do Việt Nam sản xuất thông quan qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ trong hoạt động; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước, các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Sở Công Thương cũng tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường tạo sự thông thoáng, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp thực hiện hợp tác, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh Kon Tum.

Triển khai giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đến cửa khẩu, bến bãi kho tàng, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Thực hiện các quy định trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; thương mại biên giới tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng thu hút các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Kon Tum.

Khảo sát, nắm bắt tình hình tại các cửa khẩu, khu vực biên giới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, xuất nhập khẩu, các hoạt động trao đổi thương mại biên giới; Phát triển thương mại biên giới, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại biên giới.

Được biết, tuyến biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng quốc gia, là đầu mối, cửa ngõ giao thông về đường bộ; đây cũng là vùng có đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại, du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông…

Do vậy, phát triển kinh tế và thương mại trên tuyến biên giới này luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua những chính sách thương mại biên giới nói chung, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu..., đã thu hút doanh nghiệp và hàng hóa tại các cửa khẩu và chợ biên giới.

Thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, trong đó có hạ tầng thương mại biên giới với các loại hình thương mại hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là hệ thống ngân hàng phục vụ cho nhu cầu thanh toán biên mậu và hệ thống chợ biên giới nhằm thúc đẩy việc trao đổi thương mại.

Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kon-tum-thu-hut-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-ha-tang-thuong-mai-bien-gioi/355321.html
Zalo