Thị trường bán hàng Tết 2025 diễn biến khó lường
Thói quen tiêu dùng dịp Tết 2025 được nhận định đang thay đổi nhanh và khó dự đoán, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường hàng hóa.
Sáng 2/12 tại TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025”.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia phân tích về sự thay đổi trong tâm lý và hành vi mua sắm của người tiêu dùng sau giai đoạn khó khăn kinh tế. Các chuyên gia cũng nhận định, thói quen tiêu dùng dịp Tết 2025 đang thay đổi nhanh và khó dự đoán, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường hàng hóa.
Theo nghiên cứu mới nhất của Kantar Worldpanel Việt Nam (Đơn vị chuyên nghiên cứu hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam), sau COVID-19, mức độ lạc quan về tình hình kinh tế trong tương lai của người tiêu dùng Việt Nam đạt 88% (Quý 3/2022).
Tuy nhiên, chỉ số này giảm mạnh từ Quý 4 năm 2022 đến hết năm 2023 do kinh tế suy yếu, tình hình chiến tranh trên thế giới, giá tăng và sa thải hàng loạt. Dù GDP Việt Nam tăng trưởng phục hồi đạt 7,4% vào Quý 3/2024, nâng mức độ lạc quan tăng nhẹ từ đầu 2024 nhưng đến Quý 3 lại giảm còn 69%. Điều đó cho thấy, tâm lý người tiêu dùng trở nên bất ổn và kém lạc quan hơn trước.
Do đó, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, dịp tụ họp linh đình mà để dành thời gian cho bản thân và gia đình hơn. Xu hướng quà tặng ngày Tết cũng ngày càng thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền hơn.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, cùng với thay đổi xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng.
Thêm vào đó là phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc giá rẻ. Trên thực tế, việc phân biệt hàng Việt Nam và hàng nhập khẩu (đặc biệt từ Trung Quốc) không dễ dàng. Các mặt hàng Trung Quốc đi rất sâu vào tất cả những phương tiện để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Theo bà Hạnh, trước những biến động khó lường của thị trường Tết này, doanh nghiệp Việt cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, chú trọng dịch vụ khách hàng, bổ sung thêm sự khác biệt trong các mặt hàng địa phương, thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu dùng, khuyến mãi... để người tiêu dùng không còn quá quan tâm đến hàng giá rẻ.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh phân tích thêm: "Đối với không ít người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, muốn chinh phục họ thì giá rẻ vẫn là yêu cầu đầu tiên. Ngoài bài toán cạnh tranh làm sao để kiểm soát giá cả, thay đổi những điều kiện bán hàng thì doanh nghiệp còn phải chú ý đến yếu tố bám sát nhu cầu thị trường từng giai đoạn. Đồng thời, cần tìm ra được ngách cạnh tranh những điểm tạo khác biệt, sản phẩm mang đặc tính địa phương để không lơ là cạnh tranh".