Kiến nghị của Hiệp hội Dệt may về việc nới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng làm từ đủ 1 tháng đến 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng nếu chỉ đóng 1 tháng mà đã được hưởng trợ cấp này thì không bảo đảm cân đối thu chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng làm từ đủ 1 tháng đến 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Sau đó, cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng. Hiệp hội Dệt may cho rằng quy định này về cơ bản không gây bất lợi cho người lao động, nhưng hạn chế người lao động lợi dụng nhảy việc.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam nói chung, các chế độ cũng như điều kiện hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp nói riêng, được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách này, cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Thực tế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn nên đã sớm đi vào cuộc sống. Việc thực hiện chính sách đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu nêu trên được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định về trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đối với trợ cấp thất nghiệp: Thời gian hưởng trợ cấp tối thiểu là 3 tháng, với số tiền là 60% tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tương đương 180% tiền lương.

Đối với mức hưởng trợ cấp mất việc làm tối thiểu là 2 tháng tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi nghỉ việc, tương đương 200% tiền lương.

Người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp ít nhất 12 tháng mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu chỉ đóng 1 tháng mà đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không bảo đảm cân đối thu, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu 3 tháng nhằm bảo đảm cho người lao động ổn định cuộc sống tạm thời, và có đủ thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tốt hơn.

“Những quy định của Việt Nam về bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam, bao gồm việc thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng đối với người lao động đóng ít nhất là 12 tháng”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ.

Tiếp thu kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết sẽ nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi).

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-nghi-cua-hiep-hoi-det-may-ve-viec-noi-dieu-kien-huong-tro-cap-that-nghiep.htm
Zalo