Kon Tum hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.752 hộ dân
Kon Tum đang triển khai kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước tháng 6/2025 cho 2.752 hộ gia đình, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 141,54 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch số 4597/KH-BCĐ, ngày 20/12/2024 của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Kon Tum, các nhóm đối tượng được ưu tiên gồm: Hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; các hộ nghèo, cận nghèo không thuộc diện thụ hưởng từ các chương trình này và cuối cùng là các hộ dân bao gồm những gia đình mới chia tách hoặc chưa được công nhận thuộc diện nghèo.
Theo thống kê, có 115 hộ gia đình người có công với cách mạng cần được hỗ trợ, trong đó 59 hộ cần xây mới và 56 hộ cần sửa chữa. Với các hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện thụ hưởng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, có 152 hộ cần được hỗ trợ, bao gồm 127 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Đáng chú ý, số hộ nghèo và cận nghèo không thuộc diện thụ hưởng từ các chương trình này chiếm số lượng lớn nhất với 1.562 hộ, bao gồm 1.138 hộ nghèo và 424 hộ cận nghèo. Ngoài ra, còn có 923 hộ dân thuộc các trường hợp đặc biệt, trong đó 743 hộ cần xây mới và 180 hộ cần sửa chữa.
Về nguồn kinh phí, tỉnh Kon Tum đã huy động được 86,83 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 59 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương từ tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác là 19,21 tỷ đồng. Ngoài ra, có 5,22 tỷ đồng từ ngân sách trung ương dành cho các hộ gia đình người có công với cách mạng, cùng 3,4 tỷ đồng từ phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do các huyện, thành phố phát động.
Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Kon Tum yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc việc rà soát, phân loại, xét duyệt các đối tượng thụ hưởng công khai, minh bạch và công bằng. Việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở phải đảm bảo chất lượng, an toàn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và phong tục của từng vùng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn lực, tránh lãng phí, tham nhũng, đảm bảo các khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng được chú trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Chính quyền địa phương kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia, chia sẻ trách nhiệm, cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại Kon Tum, hướng tới xây dựng một địa phương phát triển bền vững