Thiết chế luật sư công tại Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược

Một trong những lợi ích nổi bật khi xây dựng thiết chế luật sư công là thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền con người và tiếp cận công lý. Đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh việc nghiên cứu xây dựng quy định về luật sư công.

 Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Thiết chế luật sư công tại Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược

Theo ông, Việt Nam cần thiết phải xây dựng thiết chế luật sư công (LSC) trong bối cảnh hiện nay không?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng thiết chế LSC. Bởi sau 6 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, hoạt động TGPL đã được đánh giá cao trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động TGPL chỉ đang hướng tới đối tượng là những người yếu thế trong xã hội (người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi,…) mà chưa đề cập đến nhóm chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị công lập… Đây là nhóm chủ thể càng ngày càng tham gia nhiều vào các vụ việc tố tụng và cũng rất cần có LS để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của mình. Do đó, LSC có thể giúp bảo đảm mọi đối tượng đều được bảo vệ quyền lợi một cách công bằng trước pháp luật, kể cả cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị công lập.

Việc xây dựng thiết chế LSC thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền con người và tiếp cận công lý.

Việc sử dụng LSC sẽ giúp quốc gia tiết kiệm được một khoản tiền lớn thuê LS nước ngoài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế… Đồng thời, bảo đảm giữ bí mật trong việc bảo vệ các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách của Việt Nam, nhất là thông tin nội bộ có tính nhạy cảm, không công khai trong quá trình hỗ trợ Chính phủ giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc tham gia một số quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, thông qua thực tiễn hoạt động, LSC có thể phát hiện những bất cập, chồng chéo, khó thực thi của pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm tính khách quan, công bằng và tuân thủ pháp luật.

Thiết chế LSC giúp giảm “áp lực” cho hệ thống TGPL Nhà nước vì hiện nay, một số Trung tâm TGPL Nhà nước ở một số địa phương đang bị quá tải. Đội ngũ thực hiện TGPL còn ít so với nhu cầu được TGPL của người dân.

Có thể thấy, thiết chế LSC góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho mọi người dân, đồng thời góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển thiết chế LSC tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Như ông vừa đề cập, LSC sẽ giúp quốc gia tiết kiệm được một khoản tiền lớn thuê LS nước ngoài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của thiết chế LSC trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta?

- Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò của thiết chế LSC ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ đáp ứng các yêu cầu quốc tế mà còn nâng cao năng lực bảo vệ quyền lợi công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Cụ thể:

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các thị trường toàn cầu, kéo theo nhiều nguy cơ tranh chấp pháp lý xuyên biên giới. Với sự hỗ trợ của LSC, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) - vốn chiếm đa số tại Việt Nam - có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý chất lượng với chi phí hợp lý, giúp họ tuân thủ quy định pháp luật trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng uy tín, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

LSC có thể tham gia vào việc phổ biến pháp luật và giám sát các hành vi kinh doanh, ngăn chặn các hành vi lạm dụng, gian lận. Trong các tranh chấp thương mại quốc tế, LSC có thể đại diện doanh nghiệp Việt Nam, bảo đảm quyền lợi trước các đối tác nước ngoài.

Việc chú trọng sử dụng đội ngũ LSC trong nước thay vì LS/hãng LS nước ngoài sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm thực tiễn từ các vụ tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế cho thấy chi phí thuê LS, hãng luật nước ngoài rất tốn kém với số tiền có thể lên đến hàng triệu đô-la Mỹ. Do vậy, khi thiết chế LSC được xây dựng, việc sử dụng LS Việt Nam tư vấn và tranh tụng sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và giảm chi phí pháp lý trong việc theo đuổi vụ kiện.

Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Do đó, việc xây dựng thiết chế LSC thể hiện sự cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tiếp cận pháp lý và bảo vệ quyền con người.

Thiết chế LSC cũng là một trong những công cụ quan trọng để góp phần cải cách tư pháp theo hướng minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn. Một hệ thống pháp luật vững chắc và công bằng, được hỗ trợ bởi thiết chế LSC, sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đề ra. Từ đó tạo ấn tượng tốt với cộng đồng quốc tế, thu hút đầu tư và hợp tác kinh tế.

Như vậy, thiết chế LSC không chỉ cần thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tập trung vào các lĩnh vực gắn liền với lợi ích thiết thực

Chúng ta cần những điều kiện nào để thiết chế này đạt hiệu quả mong muốn, thưa ông?

- Để hoạt động của thiết chế này được hiệu quả tại Việt Nam, cần có một số điều kiện cơ bản và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía Nhà nước, các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Cụ thể, thứ nhất, xây dựng khung pháp lý rõ ràng về tổ chức, hoạt động và trách nhiệm của LSC như thể chế hóa vai trò cụ thể của LSC cũng như các yêu cầu về trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ của LSC; quy định về trình tự, thủ tục thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ LSC; các cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ của LSC; đạo đức nghề nghiệp của LSC…

Thứ hai, nguồn lực tài chính đầy đủ và ổn định: Nhà nước cần bảo đảm ngân sách cho hệ thống LSC đầy đủ và ổn định, bởi việc chi trả cho đội ngũ LSC là cần thiết. Một hệ thống LSC sẽ yêu cầu đầu tư đáng kể vào chi phí hoạt động, đặc biệt là lương cho các LS, chi phí đào tạo và các chi phí liên quan khác.

Thứ ba, có cơ chế giám sát minh bạch bằng cách thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của LSC nhằm bảo đảm hiệu quả và tránh lạm dụng.

Tuy nhiên, theo ông, trước mắt, thiết chế LSC nên hoạt động trong những lĩnh vực nào?

- Thiết chế LSC nên tập trung vào các lĩnh vực gắn liền với lợi ích thiết thực của doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng, đồng thời đóng vai trò cầu nối giữa luật pháp và đời sống thực tế. Hoạt động trong các lĩnh vực này không chỉ giúp phát huy hiệu quả mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch và phát triển bền vững.

Chẳng hạn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong việc đăng ký kinh doanh, lập kế hoạch pháp lý và xây dựng bộ máy hoạt động hợp pháp; Đại diện hoặc hỗ trợ doanh nghiệp trong các tranh chấp hợp đồng, thương mại, hoặc lao động; Tư vấn doanh nghiệp hiểu và tuân thủ các quy định từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc luật pháp quốc tế; Giúp các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các tranh chấp với đối tác nước ngoài, nâng cao uy tín quốc gia.

Hỗ trợ pháp lý cho cá nhân và cộng đồng: Tư vấn và hỗ trợ pháp lý trong các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội và tranh chấp lao động; Giải quyết tranh chấp dân sự, bao gồm các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, đất đai, tài sản và thừa kế; Giúp cá nhân xử lý các tranh chấp với doanh nghiệp hoặc tổ chức về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Hỗ trợ giải quyết tranh chấp công: Đại diện trong các vụ án công ích như hỗ trợ các cá nhân hoặc tổ chức trong các vụ án bảo vệ môi trường, chống tham nhũng hoặc bảo vệ quyền lợi cộng đồng.

Hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh tế như tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước về các thủ tục, quy định pháp luật liên quan đến đầu tư tại Việt Nam; Hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm đăng ký sở hữu trí tuệ và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ông có đề xuất gì cho mô hình LSC của Việt Nam ?

- Trên thực tế, trong tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay, Việt Nam có cơ quan TGPL Nhà nước. Hệ thống này được tổ chức từ Trung ương đến địa phương với nhiệm vụ tư vấn pháp luật, TGPL miễn phí cho đối tượng chính sách. Về bản chất, cơ quan TGPL này cũng đang thực hiện nhiệm vụ của LSC, bảo vệ lợi ích công cộng của Nhà nước.

Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, hệ thống TGPL của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển, với mô hình TGPL có sự tham gia của cả khu vực tư và khu vực công. Do đó, LSC nếu chính thức ra đời sẽ dựa trên nền tảng của cơ quan TGPL hiện nay, không cần xây dựng hệ thống mới, do đã có sẵn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nên nguồn nhân lực để xây dựng thiết chế LSC là không khan hiếm và có thể kế thừa cả mô hình quản lý hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thư (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thiet-che-luat-su-cong-tai-viet-nam-mang-y-nghia-chien-luoc-post535760.html
Zalo