Kịp thời động viên nhà giáo
Trước thềm năm học mới 2024-2025, nhiều tín hiệu vui đến với ngành giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo.
Theo đó, tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Bộ Chính trị yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn. Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.
Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Mới đây, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu các đơn vị có liên quan khi xây dựng Luật Nhà giáo, ngoài bám sát vào các chỉ đạo của Nghị quyết 29 và Kết luận số 91 cần chú trọng sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ có tác dụng lớn trong việc thu hút người tài vào ngành giáo dục, những nhà giáo tâm huyết yên tâm công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Đồng thời, ngăn được tình trạng giáo viên nghỉ việc do lương không đủ sống.
Thực tế, từ tháng 7 vừa qua, lương giáo viên đã tăng trung bình từ
1,13-3,67 triệu đồng/người/tháng, chưa gồm phụ cấp, bậc giảng dạy… Đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho đội ngũ này yên tâm công tác. Tại Đồng Nai, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X vừa qua đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập, giáo viên công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng đối với giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng, giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng.
Đây thực sự là những chính sách nhân văn, kịp thời, giúp đội ngũ nhà giáo có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.