Tổng Bí thư: 'Người thầy là đầu tàu cho giáo dục'

Sáng 9/11, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tham dự có Tổng Bí thư Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.

Phát biểu tại cuộc thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội về Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư đã gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đặt ra vấn đề vai trò chiến lược của giáo dục và đào tạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhà giáo được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa chiến lược. Vấn đề được Tổng Bí thư đặt ra là mối quan hệ giữa thầy và trò, dự thảo luật phải giải quyết tốt vấn đề này.

“Đây là đột phá quốc gia và trọng tâm giáo dục. Muốn giáo dục phát triển đầu tiên thì phải có thầy, có trường. Khi xác định vai trò quan trọng của giáo dục đào tạo, thì trong đó người thầy là chủ thể chính", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, đã nói đến thầy thì phải có trò. Luật Nhà giáo phải giải quyết thật tốt mối tương quan giữa thầy và trò. Chính sách phổ cập giáo dục thì tất cả các cháu đến tuổi đều phải được đến trường, không thể để thiếu thầy, thiếu trường.

Về chính sách về học tập suốt đời và sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, theo Tổng Bí thư, trong dự thảo luật cần tạo điều kiện cho nhà giáo được học tập, bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp suốt cuộc đời, không bị hạn chế bởi tuổi tác hoặc các quy định về thời gian công tác nhằm huy động được nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, giảng dạy.

“Trò rất già thì cũng phải có thầy rất già. Những thầy lớn tuổi lại có uy tín, nhưng đến tuổi thì nói do Luật Giáo dục tôi hết tuổi, tôi không còn là nhà giáo nữa. Rõ ràng như vậy sẽ khó khăn, trong khi chúng ta đang huy động các lực lượng xã hội vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy”, Tổng Bí thư phân tích.

Nhắc đến giáo dục ở miền núi, Tổng Bí thư cho rằng, thầy giáo dạy học ở miền núi cũng phải được coi là môi trường đặc biệt. Bởi thầy không những dỗ dành học sinh đến trường, mà còn phải nuôi các cháu đi học, phải động viên, phải hy sinh.

Tổng Bí thư, mong muốn Luật Nhà giáo ra đời sẽ được nhiều thầy cô giáo đón nhận thực sự phấn khởi, thực sự cảm thấy được tôn vinh và có điều kiện thuận lợi.

Với nhiều điểm mới, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/luat-nha-giao-phai-duoc-nguoi-thay-thuc-su-don-nhan-279213.htm
Zalo