Gỡ bài toán thiếu giáo viên và để giáo viên cắm bản yên tâm cống hiến
Sau khi Dự án Luật Nhà giáo được trình tại Quốc hội sáng 9/11, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự án luật này. Tại đây, những vấn đề nóng như thiếu giáo viên hay tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác ở vùng khó, đã được các đại biểu đặt ra.
Video Đại biểu Trần Văn Thức, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa chia sẻ:
Dự án Luật Nhà giáo đã tháo gỡ được những điểm nghẽn để gỡ khó cho nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.
Theo tôi, việc giao thẩm quyền biên chế cho ngành giáo dục là phù hợp. Qua thực tiễn cho thấy, việc xây dựng kế hoạch, sử dụng và phê duyệt, tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thi tuyển, xét tuyển, công bố kết quả, hậu kiểm đưa vào sử dụng nhân sự là cả quá trình. Nếu việc này được giao cho ngành giáo dục, từ cấp nhà trường trở lên sẽ thuận lợi hơn.
Dự thảo luật lần này cũng có những điểm mới như nhà giáo bắt buộc phải thi thực hành sư phạm; khẳng định nhiệm vụ chuyên môn của nhà giáo rất quan trọng. Trong khi đó, lâu nay việc tuyển dụng ở các nơi cơ bản là xét tuyển đối với nhà giáo.
Trong Dự án luật, với các địa bàn khó khăn, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đã có cơ chế chính sách khá rõ nét để thu hút và duy trì đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác tại địa bàn này, hoặc thu hút với tân sinh viên mới ra trường.
Video Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH Đắk Lắk chia sẻ:
Theo phân cấp, giáo viên từ mầm non đến THCS do cấp huyện quản lý, THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Điều này dẫn đến những bất cập trong thực tế là không thực hiện điều động, điều chuyển, luân chuyển giáo viên. Câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu giáo viên trên địa bàn, cấp học đã diễn ra. Đặc biệt, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ khi thực hiện lựa chọn môn tổ hợp, do học sinh lựa chọn môn xã hội nhiều hơn các môn tự nhiên.
Tôi cho rằng, nếu không quy định phân cấp tuyển dụng, sử dụng bố trí đội ngũ, sẽ không giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên hiện nay. Đây là vấn đề nóng. Luật cần giao thẩm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ động điều phối, phối hợp UBND cấp tỉnh, để tuyển dụng đội ngũ.
Cụ thể, được chủ động từ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, tuyển dụng, sử dụng và đánh giá. Có như vậy mới phát huy được trách nhiệm, năng lực của các thầy cô. Việc phân cấp trong tuyển dụng như hiện nay rất khó đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng nhà giáo.
Video Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Lạng Sơn chia sẻ:
Cơ bản các chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết, nhưng nội dung thể hiện trong Dự án Luật Nhà giáo còn chung chung, chưa đột phá, chưa hấp dẫn, chưa đủ sức thu hút những người có trình độ cao, người có tài năng về công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự thảo cũng chưa làm rõ người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt… Tôi đề nghị quy định rõ các đối tượng này với các tiêu chí như thế nào để áp dụng trong thực tế.
Thực trạng thiếu giáo viên cắm bản, Dự án Luật đã nêu được. Nhưng để thu hút được nhà giáo, các giải pháp đưa ra phải xuất phát từ thực tiễn rất khó khăn của giáo viên cắm bản. Theo đánh giá của các nhân tôi, mức lương của giáo viên cắm bản hiện nay đã đủ đảm bảo đời sống. Những vấn đề như tinh thần, phúc lợi, an sinh xã hội, y tế... là vấn đề giáo viên cắm bản cần cho bản thân và gia đình, thì còn thiếu. Tôi đề nghị ban soạn thảo cần xem xét các nội dung này để đưa vào.