Kinh tế Việt Nam vượt khó năm 2025

Để đạt được kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao vào năm 2025, Việt Nam phải vượt qua những rủi ro nhất định và hầu hết liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ.

Kế hoạch áp thuế nhập khẩu của mỹ

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng tham vọng và những mục tiêu này có thể đạt được nếu các sự kiện diễn ra có lợi cho đất nước. Ví dụ, xuất khẩu vào đầu năm có thể được thúc đẩy từ việc phân bổ các đơn đặt hàng, khi người mua tìm cách tránh giá cao từ thuế quan của Mỹ, nếu được áp dụng vào cuối năm.

Nhưng cũng có những rủi ro nhất định và hầu hết liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ. Trong đó, kế hoạch áp thuế nhập khẩu “có đi có lại” với một số đối tác của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một mối quan ngại.

Một rủi ro bất lợi khác đối với Việt Nam là sự phục hồi kinh tế ảm đạm của Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam đang thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng đây vẫn là điểm đến xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam. Sự yếu kém liên tục trên thị trường bất động sản có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu thép và các vật liệu xây dựng khác của Việt Nam. Trung Quốc cũng đứng thứ hai trong các quốc gia có khách du lịch đến Việt Nam.

Nhu cầu yếu ở Trung Quốc cũng làm gia tăng dòng hàng hóa giá rẻ đổ vào thị trường Việt Nam. Điều này có lợi cho người tiêu dùng và giúp kiểm soát lạm phát, nhưng lại là vấn đề đối với các nhà sản xuất trong nước.

Tác động của việc USD mạnh hơn

Căng thẳng thương mại toàn cầu có thể gây bất ổn đến thị trường tiền tệ. Giá trị USD - đang ở mức cao nhất sau khi được điều chỉnh theo lạm phát kể từ những năm 1980 - được hỗ trợ bởi lạm phát cao ở Hoa Kỳ và ít khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất thấp hơn.

Thuế quan đối với Trung Quốc, Canada và Mexico sẽ đẩy nhanh lạm phát trong nước ở Mỹ, tiếp tục trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, nếu nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái.

Tác động tích cực của USD mạnh hơn là làm cho hàng xuất khẩu sang Mỹ rẻ hơn - điều này sẽ chống lại tác động của thuế quan. Tuy nhiên, USD mạnh hơn cũng buộc lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam tăng cao hơn, đặc biệt nếu tăng trưởng tiền gửi vẫn chậm. Lãi suất cao hơn giúp đồng tiền Việt Nam mạnh lên, nhưng cũng gây cản trở đối với nền kinh tế.

Việt Nam đã quản lý tốt tình hình nợ nước ngoài của nền kinh tế, vì vậy, USD mạnh sẽ không gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt khi đi vay, nhưng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, thúc đẩy lạm phát trong nước. Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu được định giá bằng USD, nên chi phí nhập khẩu sẽ tăng.

Trong quá khứ, USD từng mạnh như vậy và Mỹ thực hiện một đợt điều chỉnh tiền tệ toàn cầu để hạ giá USD so với yên Nhật và mark Đức.

Có thể là chưa chắc các đối tác thương mại của Mỹ sẽ đồng ý điều phối tiền tệ theo kiểu này khi họ bị đe dọa áp thuế. Trung Quốc, Mexico và Canada nhiều khả năng coi việc mất giá tiền tệ là một công cụ hữu ích để giảm thiểu tác động của thuế quan Mỹ đối với các luồng thương mại hiện có.

Đây chính xác là những gì đã xảy ra sau đợt áp thuế đầu tiên của ông Trump vào năm 2018. Sự tăng giá của USD so với nhân dân tệ của Trung Quốc đã hủy bỏ tác động của thuế quan, làm giảm tác động đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Việc điều hướng các vấn đề chính trị và kinh tế phức tạp này sẽ đặt ưu tiên lên quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng và ngoại giao khéo léo. Các chính sách tài khóa và tiền tệ phản chu kỳ, xây dựng dự trữ ngoại hối và củng cố các tổ chức tài chính trong nước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Hợp tác khu vực sâu sắc hơn cũng có thể giúp phòng ngừa việc giảm hiệu quả của các thỏa thuận và thể chế đa phương.

TS. Jonathan Pincus, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fullbright Việt Nam)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-te-viet-nam-vuot-kho-nam-2025-d262910.html
Zalo