Kinh tế Việt Nam tiếp tục 'hấp dẫn' nhà đầu tư nước ngoài

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự 'hấp dẫn' với nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo Công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền nhiều nghị quyết, nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó là thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; thẩm định chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Hoàn thành 45 đề án, báo cáo lớn thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Các đại biểu tổng kết hoạt động của ngành kế hoạch và đầu tư 6 tháng đầu năm 2024.

Các đại biểu tổng kết hoạt động của ngành kế hoạch và đầu tư 6 tháng đầu năm 2024.

Đáng chú ý, về đầu tư nước ngoài, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự “hấp dẫn” với nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%. Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm gần đây.

“Điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo”, báo cáo nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 6 tháng cuối năm, cần chú trọng bàn thảo về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch; xây dựng và triển khai các luật, quy định mới về đấu thầu, hợp tác xã.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Cùng với đó là giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. Tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, làm rõ các chính sách đã phát huy hiệu quả để tham mưu mở rộng phạm vi áp dụng.

Cần đặt ra yêu cầu cao hơn, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức xây dựng kế hoạch năm 2025. Chuẩn bị tổng kết, đánh giá kế hoạch 5 năm 2021-2025 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030.

Chú trọng các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặt ra yêu cầu cho công tác xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và kế hoạch trung hạn 2026-2030. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quy hoạch…

“Cần bàn thảo các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường liên kết vùng, phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-hap-dan-nha-dau-tu-nuoc-ngoai/20240715041022276
Zalo