Kinh tế Tuyên Quang 6 tháng đầu năm Top 10 cả nước - Bài cuối: Khắc phục khó khăn để bứt phá

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 đề ra và thực hiện hiệu quả Nghị quyết XVII của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, các ngành, các địa phương đang dồn nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tốc độ thực hiện các chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm.

Tập trung cao độ cho sản xuất

6 tháng cuối năm, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 12.143 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 109,5 triệu USD bằng 64,4%, Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 16.069 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Anh Cương cho biết: Ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án công nghiệp mới để đưa vào hoạt động, tạo ra sản phẩm công nghiệp mới.

Trong đó, tập trung phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ 6 dự án công nghiệp đang đầu tư, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2024 gồm: Nhà máy điện sinh khối Công ty TNHH Erex Sakura Biomass Tuyên Quang; bao bì nhựa của Công ty cổ phần cơ khí thương mại Đức Hùng; vải bản tarpuulin tại Khu công nghiệp Long Bình An của Công ty Joyung Ind.corp.LTD; 2 dự án cấp nước sạch ở phường Mỹ Lâm TP Tuyên Quang. Các dự án mới dự kiến đóng góp khoảng 524,6 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp của năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Phấn đấu sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng cuối năm 2024 tăng trên 5%, đóng góp khoảng 24,72% tăng trưởng GRDP của tỉnh, ngành tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ mùa, trồng và chăm sóc rừng, phát triển chăn nuôi, thủy sản, phòng chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Lãnh đạo Sở Công Thương nắm bắt tình hình sản xuất tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Lãnh đạo Sở Công Thương nắm bắt tình hình sản xuất tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ngành thực hiện rà soát, đánh giá kỹ từng tiêu chí, đối chiếu với những điều chỉnh mới các tiêu chí để có giải pháp thực hiện, nhanh chóng phối hợp với các địa phương khắc phục những tiêu chí chưa đạt như tiêu chí quy hoạch và nâng cao chất lượng tiêu chí hộ nghèo, thu nhập... Cương quyết thu hồi quyết định đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã sụt giảm từ 6 tiêu chí trở lên.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Chính Hòa (TP Tuyên Quang) cho rằng: Kết quả phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh ấn tượng. Tỉnh đã đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nỗ lực vượt qua thách thức, duy trì sản xuất đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, để sản xuất kinh doanh phát triển ổn định thì vẫn còn những khó khăn nhất định như giá nguyên vật liệu tăng, giá vận chuyển cao, thị trường tiêu thụ chậm... đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh linh hoạt mới duy trì được sản xuất, tăng doanh thu.

Quyết liệt thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm mới đạt 48,2% do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; tiến độ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn chậm chưa đảm bảo theo dự toán; một số dự án ngoài ngân sách như dự án Khu đô thị, dự án sản xuất, kinh doanh còn chậm tiến độ chưa phát sinh nguồn thu; doanh nghiệp nợ thuế…Để hoàn thành nhiệm vụ thu nội địa 6 tháng cuối năm 2024 trên 1.967 tỷ đồng và hoàn thành vượt mức dự toán được UBND tỉnh giao năm 2024 cho ngành thuế là 3.862 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 3.800 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 62 tỷ đồng.

Đưa ra các giải pháp tăng thu ngân sách, đồng chí Trương Thế Hùng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh cho biết: Cơ quan thuế tiếp tục rà soát, khai thác và quản lý chặt chẽ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kịch bản thu trong 6 tháng cuối năm 2024 chi tiết đến từng khoản thu, sắc thuế đảm bảo đến 30-12, tổng số thu trên địa bàn đạt trên 100% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Cơ quan thuế phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn các khoản thu từ đất.

Tiếp tục tăng cường công tác phân tích và kiểm tra tại cơ quan Thuế, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các ứng dụng của ngành trong việc nhận diện, phân tích rủi ro, kiểm tra giám sát hồ sơ khai thuế; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu NSNN đối với một số lĩnh vực như: Quản lý xây dựng cơ bản vãng lai, kinh doanh xăng dầu, sản xuất kinh doanh nông lâm sản, hoạt động Thương mại điện tử, chuyển nhượng Bất động sản, kinh doanh, chế tác vàng bạc...

Quan điểm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” được tỉnh chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra, hơn nữa 6 tháng cuối năm 2024, ngoài vốn kế hoạch, tỉnh vừa được phân bổ thêm gần 1.000 tỷ đồng nguồn vốn, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội gần 8.000 tỷ đồng đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương làm chủ đầu tư phải “căng mình” thực hiện.

Cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Nguyễn Thiện Tuyên cam kết: 6 tháng đầu năm đơn vị đã giải ngân đạt gần 50% số vốn được giao. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2024, đơn vị đã thực hiện ký cam kết tiến độ với các đơn vị thi công, kiểm tra, chỉ đạo thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ đối với các công trình trọng điểm do Ban quản lý làm chủ đầu tư; bảo đảm tiến độ thi công công trình Ban nhận ủy thác, quản lý dự án.

Riêng đối với dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn tỉnh, Ban tiếp tục chủ động làm việc với UBND huyện, thành phố về tháo gỡ các điểm nghẽn mặt bằng, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ; thực hiện kiểm tra toàn tuyến vào thứ 7 hằng tuần nắm tiến độ thi công, những vướng mắc để giải quyết cũng như tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thực hiện thi công “3 ca, 4 kíp”, đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân nguồn vốn theo cam kết.

Quyết tâm giải phóng mặt, phục vụ thi công cao tốc, đồng chí Đỗ Đức Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định: Huyện đã có phương án gỡ khó đối với 83 hộ chưa nhận tiền giải phóng mặt bằng. Huyện cam kết đến 30-7 sẽ cơ bản giải quyết xong các điểm nghẽn về GPMB dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu: Để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng cuối năm 2024 đạt 9% trở lên, các ngành, địa phương tiếp tục đưa ra các giải pháp, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của tỉnh, nhất là các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời rà soát toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm để có giải pháp thực hiện phù hợp, đảm bảo duy trì tốc độ, chất lượng tăng trưởng thực hiện theo phương châm “5 quyết tâm, 5 đảm bảo, 5 đẩy mạnh”.

Với mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, tin tưởng bức tranh kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục sáng 6 tháng cuối năm 2024, tạo tiền đề để Tuyên Quang bứt phá, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2025.

►Bài 1: Kết quả ấn tượng

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te-tuyen-quang-6-thang-dau-nam-top-10-ca-nuoc-bai-cuoi-khac-phuc-kho-khan-de-but-pha-194467.html
Zalo