Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Doanh nghiệp mong muốn cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban, ngành nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu là cần thiết

Một số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Khảo sát của Tổng cục Thống kê từ phản hồi của hơn 6.100 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, tính đến quý III/2024, có 53% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Qui Phúc

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Qui Phúc

Lý giải về những khó khăn hiện nay đối với các doanh nghiệp trong ngành trong tìm kiếm và mở rộng thị trường, chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong cho biết, về tổng thể, một trong những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đang gặp phải từ căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm; Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

"Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững…" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Đặc biệt, gần đây, các nước nhập khẩu giày dép lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao. Điển hình, mới đây, Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào.

Đáng nói, không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, ông Phong cho rằng, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

Bên cạnh đó, xu hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới đang thay đổi theo hướng đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ lõi, dựa vào hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận như trước đây. "Bối cảnh và sự dịch chuyển này đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi nước thu hút vốn FDI nói riêng và phát triển công nghiệp chế biến, ché tạo nói chung" - ông Phong nói.

Tăng cường liên kết các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị

Để bắt kịp những thay đổi, thích ứng sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyên gia Nguyễn Minh Phong khuyến nghị, trong thời gian tới, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo cần phải biết tận dụng, chủ động thích nghi với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0. Vì đây là một xu thế bắt buộc, do đó các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần phải xây dựng, thực hiện các chiến lược tổng thể, nhất là tập trung phát triển, đổi mới, ứng dụng từ các công nghệ số và phải gắn liền các hoạt động chuyển đổi số – coi đó là con đường dẫn dắt, tạo giá trị, mục tiêu tăng trưởng trong tương lai.

Cùng với việc tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng miền để chuyển dịch nền cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng gia tăng giá trị, mức độ thông minh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực tham gia các chương trình phát triển các nhà cung cấp, đào tạo chuyên môn, cải tiến công nghệ.

Bên cạnh đó, cần phát triển chuỗi cung ứng và năng lực doanh nghiệp hỗ trợ trong nước tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, khu công nghiệp xanh sẽ ngày càng quan trọng để thu hút FDI các ngành công nghệ cao.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Ảnh: Qui Phúc

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Ảnh: Qui Phúc

Để tìm kiếm thị trường đầu ra, góp phần tăng khối lượng đơn hàng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay, theo kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.

Theo bà Hương, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất cũng rất quan trọng, theo đó, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng cần tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, điều kiện vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.

Cũng theo các chuyên gia, để gỡ khó, tạo lực đẩy cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-che-bien-che-tao-tim-cach-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-san-pham-354442.html
Zalo