PTSC cung cấp tàu FSO cho Dự án khí Lô B - Ô Môn
Hợp đồng cung cấp kho nổi (FSO) phục vụ Dự án khí Lô B - Ô Môn của PTSC có thời hạn 14 năm cố định với tổng giá trị hợp đồng ước tính hơn 480 triệu USD. Hợp đồng cũng kèm tùy chọn gia hạn thêm 9 năm.
Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho hay, năm 2025, PTSC đặt kế hoạch doanh thu 22.500 tỷ đồng và lợi nhuận là 1.000 tỷ đồng. Trong quý I/2025, doanh nghiệp đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Công tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất tiếp tục là chiến lược mũi nhọn của PTSC. Kế hoạch đầu tư riêng Công ty mẹ PTSC trong năm nay là 2.509 tỷ đồng; các đơn vị thành viên có tổng kế hoạch đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.
Một số dự án trọng điểm được triển khai hiện nay là Bến số 3 - Khu bến cảng Dung Quất I; nâng cấp, mở rộng cầu cảng số 1 và xây dựng cầu cảng số 2 tại Hòn La; đóng mới tàu dịch vụ, tàu khảo sát; đầu tư thiết bị khảo sát, xưởng Prefab 1, hệ thống cơ khí tự động hóa; và đóng mới hai kho nổi FSO.

Dự án FSO Lô B - Ô Môn sử dụng tàu FSO đóng mới, sức chứa 350.000 thùng. Tổng giá trị hợp đồng ước tính hơn 480 triệu USD cho 14 năm
Cũng theo kế hoạch, Hợp đồng cung cấp FSO phục vụ Dự án khí Lô B - Ô Môn sẽ được PTSC trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tại Đại hội thường niên năm 2025 chuẩn bị diễn ra vào cuối tháng 5. Đây là một trong những dự án dầu khí trọng điểm mà PTSC sẽ thực hiện trong năm nay và các năm tiếp theo.
Dự án FSO Lô B - Ô Môn sử dụng tàu FSO đóng mới, sức chứa 350.000 thùng, thiết kế tuổi thọ 25 năm. Hợp đồng có thời hạn 14 năm cố định, kèm tùy chọn gia hạn thêm 9 năm sẽ mang lại dòng tiền ổn định cho PTSC trong 14 -23 năm tới.
Trong năm 2024, PTSC đã bắt đầu triển khai giàn xử lý trung tâm (CPP) Dự án khí Lô B. Đây cũng là giàn CPP lớn nhất từng được thiết kế và thi công tại Việt Nam. Đồng thời cũng đã có Hợp đồng Tổng thầu EPCIC được ký kết với Murphy Cửu Long Bắc cho Dự án phát triển mỏ Lạc Đà Vàng lẫn cung cấp FSO cho dự án này.

Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, TP. Vũng Tàu.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, PTSC hoàn thành xuất khẩu chân đế điện gió ngoài khơi (ĐGNK) cho dự án CHW2204 và các giàn tăng áp ngoài khơi (OSS) thuộc Dự án Hải Long (Đài Loan). Doanh nghiệp cũng trúng thầu thêm các hợp đồng ở nước ngoài về chế tạo chân đế ĐGNK và OSS mới; đồng thời tiếp tục thúc đẩy triển khai dự án xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Singapore.
Trong giai đoạn 2026–2030, PTSC đã xác định sẽ phát triển ở ba trụ cột là dầu khí cùng khí tự nhiên (LNG), năng lượng tái tạo ngoài khơi và điện hạt nhân.
Cụ thể, trong lĩnh vực dầu khí và LNG, PTSC tiếp tục ưu tiên đầu tư vào các tài sản kỹ thuật cốt lõi, nâng cấp hạ tầng cảng, phát triển đội tàu khảo sát và tàu dịch vụ, đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ mới như thu gom và lưu trữ carbon (CCUS).
Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, PTSC tập trung hoàn thiện năng lực thiết kế - chế tạo - sản xuất cho chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi. Một phần vốn đầu tư sẽ dành cho các dự án hạ tầng, dây chuyền tự động hóa, và nhà xưởng chuyên dụng.
Với điện hạt nhân, PTSC đặt mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, với trọng tâm là hệ thống nước làm mát và kết cấu thép.
Ngoài ra, PTSC sẽ triển khai các dự án đầu tư sản xuất cáp ngầm, cơ sở hậu cần phục vụ xuất khẩu điện sang Singapore, và tiếp tục tham gia đầu tư góp vốn trong các kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu FSO/FPSO/FSRU.