Thế cuộc mới cho Trungnam Group và BIM Group tại Ninh Thuận

Trungnam Group, BIM Group sắp được VDB bơm thêm nhiều nghìn tỷ đồng vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án lớn tại tỉnh Ninh Thuận.

VDB ký hợp tác cấp vốn cho các dự án đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thái Bình

VDB ký hợp tác cấp vốn cho các dự án đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thái Bình

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với Trungnam Group, BIM Group, Công ty CP Tập đoàn K-MS, Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận và Công ty TNHH Phú An Thành Gia Lai, cam kết cấp vốn tín dụng đầu tư hơn 35.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD.

Theo đó, phân bổ dự kiến cho Trungnam Group 14.000 tỷ đồng phục vụ dự án khu công nghiệp Cà Ná (giai đoạn 1), các dự án điện gió, điện mặt trời, điện LNG theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

BIM Group được phân bổ cho vay khoảng 5.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn K-MS khoảng 15.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Phú An Thành Gia khoảng 1.000 tỷ đồng.

VDB cho biết, tại Ninh Thuận sẽ ưu tiên các dự án mới đủ điều kiện triển khai, đặc biệt là dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo, nhà ở xã hội, sản xuất công nghiệp với dự kiến giá trị tín dụng cho vay khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB cho biết ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong thực thi các chính sách của nhà nước kịp thời, hiệu quả, góp phần sớm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Chủ tịch VDB cũng đánh giá cao hấp lực và cơ hội đầu tư vào Ninh Thuận khi chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm quốc gia về công nghiệp, năng lượng, như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đồng thời, với tính chất là địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, các dự án tiềm năng của địa phương đều thuộc đối tượng cho vay của VDB.

Thêm lực cho Trungnam Group, BIM Group

Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Trungnam Group cho biết nắm giữ khoảng 5GW điện tái tạo trong giai đoạn đến 2030 với 1.500MW điện LNG, còn lại là điện gió, điện mặt trời phát triển tại một số địa phương trên cả nước.

Hiện tại, bên cạnh lưng vốn đến từ 1,7GW điện đã phát triển và đang vận hành, tập đoàn đang tập trung nguồn lực để thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án cảng tổng hợp Cà Ná trị giá hơn 5.600 tỷ đồng – một mảnh ghép quan trọng cho tổ hợp năng lượng công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

"Sau khi đưa vào hoạt động thành công giai đoạn 1A với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải tới 300.000 tấn, chúng tôi đang tập trung cho giai đoạn 1B nhằm nâng tải trọng phục vụ các loại hàng siêu trường siêu trọng", đại diện Trungnam Group cho biết.

Tới nay, bên cạnh cảng tổng hợp Cà Ná dự án khu công nghiệp Cà Ná với định hướng phát triển các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo, công nghệ cơ khí, chế tạo nếu được cấp phép và thực hiện thành công dưới mô hình khu công nghiệp xanh.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, nguồn năng lượng xanh – sạch làm ra của tập đoàn từ nguồn điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, sẽ được cấp cho các khu công nghiệp ở địa phương và chính dự án khu công nghiệp Cà Ná mà tập đoàn đang theo đuổi.

Bằng cách sử dụng nguồn điện xanh, các doanh nghiệp phát triển trong khu công nghiệp sẽ có thêm cơ hội để tham gia cơ chế trung hòa các-bon, giảm phát thải và chuyển đổi xanh bền vững. Đồng thời, cách thức phát triển KCN xanh nêu trên sẽ giúp tiết kiệm, chống lãng phí năng lượng và sử dụng nguồn điện một cách hiệu quả.

Với nguồn lực 14.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân từ VDB, Trungnam Group trước mắt sẽ có thể yên tâm tập trung cho các dự án được phân bổ trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh từ nay tới 2030. Đây cũng sẽ là bàn đạp quan trọng để tập đoàn tiếp tục theo đuổi các mảnh ghép quan trọng còn lại trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận.

Mới nhất, Trungnam Group đã đạt được ký kết hợp tác với Power China (Trung Quốc) để thực hiện sản xuất trụ, cánh điện gió tại Cà Ná nhằm phục vụ phát triển năng lượng tái tạo. Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group cho biết, dự án sẽ được tập đoàn triển khai nhanh vì Power China đã có nhà máy tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đang tiếp tục mở rộng phát triển tại Việt Nam.

Đối với BIM Group, tập đoàn của doanh nhân Đoàn Quốc Huy đã có lịch sử quan hệ bền chặt với VDB trong suốt 25 năm qua với sáu dự án phối hợp triển khai. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, VDB đã tài trợ cho hai dự án sản xuất muối và chế biến muối công nghiệp của Bim Group.

Ở chiều ngược lại, số tiền BIM Group đã đầu tư vào Ninh Thuận lên tới khoảng 14.000 tỷ đồng và sẽ đầu tư thêm 25.000 tỷ đồng vào các dự án thuộc lĩnh vực hóa chất, năng lượng tái tạo, du lịch.

“Trong bối cảnh hiện tại của Ninh Thuận, việc có thể tiếp cận được nguồn vốn ốn định, ưu đãi từ VDB là một điều kiện rất quan trọng để thu hút các nhà đầu tư thực hiện được kế hoạch của mình”, ông Đoàn Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIM Group khẳng định.

Theo ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2024 của tỉnh đạt 8,85%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng/người.

Về thu hút đầu tư, tổng số dự án đến nay là 488 dự án với tổng vốn đầu tư 247.300 tỷ đồng; trong đó có 44 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn gần 40.300 tỷ đồng. Chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh xếp thứ 13 cả nước, năm thứ ba liên tiếp nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong bảng xếp hạng PCI.

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định năm cụm ngành quan trọng gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản.

UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng của nhà nước.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/the-cuoc-moi-cho-trungnam-group-va-bim-group-tai-ninh-thuan-d40219.html
Zalo