Kinh tế tư nhân trên con đường hội nhập

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân là một đột phá chính sách, được ví như 'khoán 10' cho kinh tế tư nhân. Với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, kinh tế tư nhân được công nhận là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nội dung của nghị quyết đã ba lần nhắc đến cụm từ 'năng lực cạnh tranh quốc gia', điều này nói lên rằng sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân luôn gắn liền với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.

Đa phần doanh nghiệp tư nhân đang mắc kẹt giữa nghịch lý là đang vận hành các nền tảng sản xuất “kiểu cũ” trong khi phải đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Đa phần doanh nghiệp tư nhân đang mắc kẹt giữa nghịch lý là đang vận hành các nền tảng sản xuất “kiểu cũ” trong khi phải đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Tuy nhiên, sau gần hai thập niên xây dựng và phát triển, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của nước ta đang bộc lộ những điểm yếu mang tính “hệ thống”. Với độ mở cao, nước ta trở nên rất dễ tổn thương trước những thay đổi của thị trường thế giới và chính sách thương mại ở nước nhập khẩu mà sự việc gần đây về chính sách thuế quan của Mỹ là một minh chứng. Nền kinh tế dần phân ra hai mảnh rõ rệt: một mảnh là nền sản xuất định hướng xuất khẩu với tiêu chuẩn được dẫn dắt chủ yếu bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và mảnh còn lại là các doanh nghiệp trong nước đang loay hoay với “tiêu chuẩn Việt cho người Việt”.

Thương mại quốc tế đã qua thời tận dụng ưu đãi thuế quan để mở rộng xuất khẩu khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đưa hầu hết các dòng thuế về bằng 0. Tương lai của thương mại quốc tế sẽ là cạnh tranh về năng lực sản xuất và chất lượng; khi đó, ưu thế sẽ thuộc về nước nào đã tận dụng tốt hội nhập kinh tế quốc tế để kịp thời nâng cấp lợi thế cạnh tranh quốc gia (điển hình là Trung Quốc). Khi mà Nghị quyết 68 đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cả hệ thống chính trị “trên dưới một lòng” thúc đẩy sự phát triển hiệu quả, bền vững của kinh tế tư nhân, thì về phía mình, kinh tế tư nhân cần phải làm gì trước vận thế đó, đặt trong bối cảnh mới của hội nhập kinh tế quốc tế?

Muốn mạnh phải chủ động

Cạnh tranh trong bối cảnh mới của hội nhập kinh tế là sự cạnh tranh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường thì chính doanh nghiệp phải chủ động trong tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nếu như đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu là điều đương nhiên thì việc đáp ứng và dần nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong nước là nền tảng để nâng cấp năng lực cạnh tranh quốc gia(1). Điều này dẫn đến một tất yếu khác là doanh nghiệp phải chủ động trong cải tiến quy trình sản xuất cho phù hợp với tiêu chuẩn thị trường; hay nói cách khác, tiêu chuẩn thị trường sẽ dẫn dắt tiêu chuẩn sản xuất.

Giá trị của Nghị quyết 68 sẽ được phát huy như kỳ vọng nếu kinh tế tư nhân biết chủ động, biết liên kết, và biết rõ thị trường của chính mình.

Lý thuyết là thế nhưng rõ ràng đa phần kinh tế tư nhân nước ta đang mắc kẹt giữa nghịch lý là đang vận hành các nền tảng sản xuất “kiểu cũ” trong khi phải đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Khi mà đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất là tốn kém, mất thời gian và không phải ai cũng có thể thực hiện do giới hạn nguồn lực thì việc nâng cao và kiểm soát nghiêm ngặt quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng trong nước có thể sẽ đẩy một lượng không nhỏ doanh nghiệp ra khỏi thị trường mà hệ lụy về kinh tế - xã hội là điều khó tránh khỏi.

Dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng quá trình nâng cao chất lượng của nền kinh tế tất yếu phải đi kèm với việc tinh lọc kinh tế tư nhân, chấp nhận cuộc chơi này ngày càng khắc nghiệt. Có thể vì lẽ đó mà Nghị quyết 68 vừa tạo mọi điều kiện để nguồn lực tư nhân tham gia thị trường vừa yêu cầu phải tạo thuận lợi để chính họ rút lui khỏi thị trường khi cần thiết.

Muốn bền phải liên kết

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau” - câu nói này rất phù hợp đối với kinh tế tư nhân trên con đường hội nhập. Về vấn đề này, Nghị quyết 68 đề cập đến việc xây dựng các chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm ngành, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và liên kết ngành đi đôi với phát huy vai trò của các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp.

Về hiệp hội thương mại, điều 9 của Luật Thương mại 2005 nêu rằng hiệp hội được lập ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, động viên họ phát triển thương mại và tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điều này là đúng nhưng chưa đủ nếu đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay. Khi đó, hiệp hội thương mại cần phát huy vai trò trong phát triển tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh đối với ngành hàng mà mình đại diện, hướng đến trở thành bên thứ ba cung cấp chứng nhận tuân thủ từ phía doanh nghiệp và từ đó góp phần quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, hiệp hội thương mại cần có vai trò trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với ngành hàng của hiệp hội mình; khi đó, hiệp hội sẵn sàng cung cấp thông tin, tham vấn để xử lý các vụ việc liên quan và dứt khoát đưa ra khỏi hiệp hội các doanh nghiệp vi phạm. “Thưởng phạt phân minh” thiết nghĩ là cách đơn giản mà hiệu quả để giữ vững niềm tin thị trường.

Muốn vững phải bảo vệ “bệ đỡ” của mình

Thị trường nội địa là một trong bốn thành tố tạo nên năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng có lẽ yếu tố này chỉ mới được chú trọng trong những năm gần đây. Với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng (dự kiến là 25 triệu người vào năm 2025 và 50 triệu người vào năm 2030) thì đây là lực lượng tạo nên sự lớn mạnh và ổn định của thị trường nội địa; đây cũng là lực lượng tạo ra áp lực nội sinh tích cực nhằm nâng cấp các tiêu chuẩn tiêu dùng, từ đó nâng cấp các tiêu chuẩn sản xuất để nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Thật vậy, khó có một nền sản xuất tiên tiến nào tồn tại song song với một thị trường nội địa dễ dãi về nhu cầu, buông lỏng tuân thủ quy chuẩn, buôn lậu - hàng giả không được kiểm soát hiệu quả, và thiếu đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Nhật Bản hay Đức là hai ví dụ cho độ khó tính của thị trường nội địa và tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn sản phẩm nhưng cũng chính vì vậy mới tạo nên thương hiệu và niềm tin của hàng hóa, dịch vụ từ hai nước này. Vì thế, việc xây dựng một thị trường nội địa lành mạnh, quy chuẩn dần nâng cao là đang xây dựng bệ đỡ vững chắc cho kinh tế tư nhân.

“Đâm lao thì phải theo lao” - thành ngữ này rất đúng cho bánh xe hội nhập kinh tế hiện nay. Trên con đường không phải lúc nào cũng trải hoa hồng này, kinh tế tư nhân muốn phát triển lớn mạnh thì không còn cách nào khác là luôn nâng cao chất lượng. Nhưng ai cũng biết rằng bất kỳ quá trình “dũa ngọc” nào cũng đầy khắc nghiệt và cần thời gian. Giá trị của Nghị quyết 68 sẽ được phát huy như kỳ vọng nếu kinh tế tư nhân biết chủ động, biết liên kết, và biết rõ thị trường của chính mình.

(*) Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

(1) Chỉ thị 38-CT/TW ngày 30-7-2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Dương Văn Học (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-tu-nhan-tren-con-duong-hoi-nhap/
Zalo