Số thương vụ M&A toàn cầu xuống mức thấp kỷ lục 20 năm do thuế đối ứng

Tình trạng bất ổn do thuế đối ứng gây ra đã khiến số thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) toàn cầu xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm qua, theo dữ liệu của Dealogic.

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Thuế đối ứng công bố hôm 2-4 khiến giá cổ phiếu Mỹ lao dốc, gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế và lạm phát. Ảnh: Reuters

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Thuế đối ứng công bố hôm 2-4 khiến giá cổ phiếu Mỹ lao dốc, gia tăng lo ngại suy thoái kinh tế và lạm phát. Ảnh: Reuters

Dealogic nói có 2.482 giao dịch M&A được công bố vào tháng 3. Đây là con số hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 5-2005, thấp hơn nhiều so với số lượng giao dịch trong và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch Covid-19. Hoạt động sáp nhập tăng nhẹ trong tháng 4 với 2.513 giao dịch, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng tháng của năm ngoái là 3.457.

Toàn cầu hồi phục trong quí 1, trừ nước Mỹ

Nhìn chung, Dealogic nói thị trường M&A toàn cầu hồi phục trong quí 1-2025 về mặt giá trị, đạt 1.502,3 tỉ đô la, tăng 24% so với cùng kỳ. Riêng số thương vụ lại giảm hơn 36%, từ khoảng 11.000 trong quí 1-2024 xuống còn 6.955 trong quí 1 vừa rồi. Sự xuất hiện của các “mega deal” – các thương vụ giá trị hơn 10 tỉ đô la – là kết quả của đàm phán dài hạn, tạo nên sự thay đổi về giá trị ở trên. Chẳng hạn, xAi mua lại X trị giá 33 tỉ, Google mua lại Wiz ước tính khoảng 32 tỉ, Constellation Energy chi 30 tỉ để mua lại Calpine Corp, SoftBank và các nhà đầu tư chi 40 tỉ để mua lại cổ phần của Open AI…

Số vụ M&A liên quan đến các công ty Mỹ đặc biệt giảm mạnh, với cả hai tháng đều dưới 600 giao dịch, mức thấp nhất trong 15 năm. Các hoạt động M&A ở châu Âu cũng giảm, không phải là mức giảm lịch sử, trong khi các thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp lại tăng.

Sự sụt giảm này phần lớn là do thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố hồi đầu tháng 4.

"Làn sóng biến động mới xuất hiện trên thị trường vốn sau ngày 2- 4 chắc chắn đã làm chậm hoạt động giao dịch M&A", CEO Ken Moelis của ngân hàng đầu tư Moelis & Co. phát biểu trong buổi công bố kết quả kinh doanh cuối tháng 4.

Thuế đối ứng đã khiến cổ phiếu Mỹ lao dốc và làm gia tăng nỗi lo về suy thoái kinh tế và lạm phát tái diễn. Hầu hết các loại thuế đã được tạm dừng trong 90 ngày ngay sau đó, nhưng vẫn khó đoán được cục diện thị trường sau các cuộc đàm phán thuế đối ứng.

Các chính sách bảo hộ của chính quyền Trump cũng đang ngăn cản hoạt động M&A tại Mỹ của các công ty nước ngoài.

Chính quyền Trump dường như đang hoan nghênh các khoản đầu tư như xây dựng nhà máy. Tuy vậy, một số nhà quan sát tin rằng, việc thâu tóm trong một số ngành công nghiệp nhất định phải đối mặt với nhiều rào cản hơn. Nippon Steel đã nỗ lực mua lại U.S. Steel nhưng thương vụ bị kéo dài, và thời hạn để Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét lại cũng đến gần.

"Nhiều công ty Nhật Bản đang tỏ ra lo ngại hơn về đợt rà soát của CFIUS", theo luật sư người Nhật Hideaki Umetsu, một chuyên gia về M&A nước ngoài và thương mại quốc tế.

Các hoạt động kinh doanh ở Mỹ có tầm quan trọng lớn. “Hoạt động M&A của các công ty Nhật Bản tại Mỹ có thể sẽ phục hồi, nhưng nhiều công ty hiện đang e ngại rủi ro, vì vậy có khả năng sẽ phục hồi chậm hơn so với các công ty ở nơi khác", Umetsu dự báo.

Các thương vụ M&A toàn cầu (xanh nhạt) và liên quan các doanh nghiệp Mỹ (xanh đậm). Nguồn: Dealogic

Các thương vụ M&A toàn cầu (xanh nhạt) và liên quan các doanh nghiệp Mỹ (xanh đậm). Nguồn: Dealogic

Doanh nghiệp khó lập kế hoạch trung và dài hạn

Các công ty đang gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch hoạt động trong trung hạn đến dài hạn, trong đó có mảng M&A. Các quỹ đầu tư cũng định giá các mục tiêu tiềm năng dựa trên ước tính dòng tiền của họ trong 5-10 năm. Vì thế, khó khăn trong dự báo đã khiến các thương vụ M&A trở nên bấp bênh hơn.

Một nhà phân tích Mỹ đang xem xét ngành ngân hàng đầu tư cho biết các thỏa thuận gần đây của Washington với Trung Quốc và Vương quốc Anh nhằm giảm thuế quan “không có tác dụng gì ngoài việc làm dịu nỗi đau trong ngắn hạn, các điều kiện cần thiết cho sự hồi phục của thị trường M&A sẽ không xuất hiện nếu không có các thỏa thuận mạnh mẽ và lâu dài hơn”.

Hãng tư vấn EY-Parthenon cho biết vào đầu tháng 5 rằng họ kỳ vọng số lượng các giao dịch vốn tư nhân trị giá hơn 100 triệu đô la sẽ gần như không đổi trong năm 2025 so với năm trước.

Nếu giá cổ phiếu của các công ty niêm yết công khai tiếp tục biến động, thì sự quan tâm đến việc đưa các doanh nghiệp trở thành công ty tư nhân có thể tăng lên, dẫn đến một loạt các vụ hủy niêm yết, EY-Parthenon nhận định. Các giao dịch lớn trong năm nay bao gồm việc các công ty cổ phần tư nhân mua lại Walgreens Boots Alliance và công ty giày thể thao Skechers, mỗi giao dịch trị giá khoảng 10 tỉ đô la.

Doanh nghiệp Mỹ khó mua lại cổ phiếu

Các doanh nghiệp Mỹ vẫn có lợi nhuận vững chắc. Trong số các công ty S&P 500 đã công bố kết quả quí 1-2025 tính đến hôm 19-5, 78% đã vượt qua dự báo của thị trường về thu nhập trên mỗi cổ phiếu, theo FactSet. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 5-10 năm qua. Nhưng họ ngày càng khó khăn hơn trong việc sử dụng số tiền kiếm được để mua lại hoặc đầu tư vốn.

Các công ty Mỹ đang trả lại vốn dư thừa cho các cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu. Theo Deutsche Bank, chỉ tính các công ty S&P 500 đã công bố công khai trong ba tháng qua, số cổ phiếu mua lại đạt tổng giá trị khoảng 500 tỉ đô la, mức cao kỷ lục. Các hãng big tech thể hiện thái độ tích cực. Hôm 14-5, hãng Advanced Micro Devices đã thông báo sẽ chi 6 tỉ đô la để mua lại cổ phiếu.

JPMorgan lưu ý rằng các công ty có xu hướng thực hiện mua lại cổ phiếu khi giá cổ phiếu của họ đang trong giai đoạn điều chỉnh. Với lượng tiền mặt dư dôi, doanh nghiệp Mỹ phải đau đầu với "quá trình loại trừ", lựa chọn giữa các giải pháp tối ưu đầu tư vốn (capex) để nâng cấp nhà máy, thiết bị và công nghệ; cơ hội M&A; trả bớt nợ; và tăng chi trả cổ tức...

Nhưng với tình trạng không chắc chắn do chính sách của ông Trump gây ra, các công ty thấy khó khăn trong việc tăng đầu tư tăng trưởng và khó có thể hình dung ra một kịch bản với giá cổ phiếu cao trong trung và dài hạn.

Theo Nikkei Asia, Dealogic

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-thuong-vu-ma-toan-cau-xuong-muc-thap-ky-luc-20-nam-do-thue-doi-ung/
Zalo