Kinh tế tư nhân đã có đòn bẩy (*): Không hình sự hóa, bảo đảm quyền sở hữu tài sản
Với nhiều điểm đột phá trong tư duy pháp lý và kinh tế, Nghị quyết 68 đang tạo nên làn sóng tích cực trong cộng đồng doanh nhân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một văn bản định hướng, mà còn thể hiện sự thay đổi sâu sắc về tư duy của Đảng và Nhà nước trong việc đánh giá vai trò kinh tế tư nhân. Trong đó, cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, cùng các cải cách về môi trường thể chế là những điểm mấu chốt tạo niềm tin cho DN tư nhân vững tin đầu tư, phát triển.
Vui không ngủ được
Ngày 7-5, phát biểu tại talkshow "Nghị quyết 68: Những đột phá mới giúp kinh tế tư nhân phát triển", do Báo Người Lao Động tổ chức, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) - bày tỏ sự tâm đắc với nguyên tắc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" trong Nghị quyết 68. Ông cho rằng lâu nay, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự là rào cản tâm lý lớn khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân lo ngại. Vì vậy, Nghị quyết 68 ra đời, lần đầu tiên Trung ương khẳng định rõ không hình sự hóa các hành vi kinh tế và quan hệ dân sự nếu chưa đến mức cần thiết, tạo môi trường pháp lý an toàn và tin cậy hơn cho DN tư nhân yên tâm đầu tư, phát triển.
Nghị quyết nêu rõ việc sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự kinh tế, hành chính trước, cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Ngoài ra, không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho DN… và bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án. "Những điều trên rất ý nghĩa, giúp DN an tâm làm ăn trong môi trường minh bạch, công bằng" - ông Nghĩa nhận định.
Thời gian qua, cộng đồng DN rất lo ngại việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Nay, Nghị quyết 68 đã nêu rõ, nếu một vụ việc có thể đúng theo luật này, sai theo luật kia thì cần được hiểu theo hướng không sai, không hình sự hóa. Nghị quyết cũng đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội, không áp dụng hồi tố gây bất lợi cho DN.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - cho biết những ngày qua cộng đồng DN rất hồ hởi. Có doanh nhân phấn khởi, hào hứng đến mức không ngủ được sau khi xem nghị quyết này. Cộng đồng DN nhìn nhận nghị quyết lần này thể hiện tư tưởng rất quyết liệt, không còn là khẩu hiệu nữa. "Đặc biệt, quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế được đề cập trong nghị quyết là một bước tiến như gỡ nỗi lo, e ngại của DN. Bởi, trong một số trường hợp, DN làm sai nhưng không phải cố ý mà do nhận thức chưa đúng, chưa đủ, chưa toàn diện. Làm sai về kinh tế có thể cho cơ hội để sửa sai, thay vì xử lý hình sự" - ông Phan Đình Tuệ nói.

Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia talkshow “Nghị quyết 68: Những đột phá mới giúp kinh tế tư nhân phát triển” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 7-5. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần quy định rõ vùng cấm
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, tinh thần của Nghị quyết 68 về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo hộ quyền tài sản của DN được cộng đồng DN đánh giá cao. Bởi khi quyền tài sản của DN không được bảo hộ, khi giao dịch hợp đồng sẽ phát sinh tranh chấp, không xử lý được. Xuyên suốt quan điểm của nghị quyết này là thay đổi về nhận thức, vai trò của kinh tế tư nhân lên tầm cao mới. "Đất nước hùng cường thì người dân phải được cởi trói, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò của động lực kinh tế tư nhân cũng được thể hiện trong 40 năm qua và cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Về mặt pháp lý, nghị quyết mở ra về cải cách, thể chế, môi trường kinh doanh, đi vào thực tiễn bằng quy định, trả lại quyền được làm giàu chính đáng" - ông Tuấn nói.
Các chuyên gia, DN tham dự tại talkshow của Báo Người Lao Động đều kỳ vọng những quy định như "DN được làm những gì pháp luật không cấm" sẽ được thực thi hiệu quả lần này. Đặc biệt, việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản và thực thi hợp đồng là điểm mới đáng chú ý, tạo thêm niềm tin cho khối DN tư nhân. "Nhiều DN tư nhân ký hợp đồng với DN nhà nước nhưng 10 năm sau lại bị xét lại, thu hồi hợp đồng, thậm chí thu cả tài sản, gây thiệt hại nghiêm trọng" - ông Nghĩa nêu dẫn chứng.
Một vấn đề được cộng đồng DN quan tâm là không hình sự hóa hoặc không hồi tố thì khi áp dụng vào thực tiễn sẽ thế nào? Để triển khai Nghị quyết 68 khi có luật, quy định đi vào thực tế phải làm rõ tinh thần này.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích luật cần phải đưa ra quy định, những gì luật pháp cấm thì mới biết được cái gì không cấm và DN được làm. Phải có những danh mục rõ ràng về ngành, hành vi… Theo ông, đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân nhưng trên cơ sở luật pháp, không chấp nhận hàng gian, hàng giả, buôn lậu. "Các quy định cần phải rõ ràng, mạch lạc: cấm hay không cấm; thế nào là vi phạm hay không vi phạm? Việc sửa các luật sắp tới, cộng đồng DN có thể tham gia đóng góp từ góc độ thực tế trong hoạt động kinh doanh, những điều gì cần sửa đổi để tránh vi phạm" - ông Tuấn nêu quan điểm.
Dưới góc độ DN, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết ông rất trông chờ sửa đổi các đạo luật liên quan như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Tố tụng hình sự, dân sự… theo yêu cầu của Nghị quyết 68 nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, nhất quán hơn trong xử lý tranh chấp, không để DN rơi vào thế bị động, mơ hồ. "DN đang chờ đợi những bước tiến này đi vào cuộc sống" - ông Nghĩa nói.
Phát huy vai trò "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế"
Tham dự talkshow của Báo Người Lao Động, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn - nhấn mạnh việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 là một cột mốc đặc biệt, doanh nhân một lần nữa được khẳng định là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế". "Chúng tôi rất xúc động khi nghị quyết này thể hiện sự trân trọng, ghi nhận và khích lệ doanh nhân" - ông Vũ bày tỏ. Từ tinh thần đó, không chỉ các doanh nhân hiện nay mà thế hệ con cháu của họ sẽ có thêm niềm tin để tiếp tục đầu tư và cống hiến. Bên cạnh đó, nghị quyết còn tạo động lực để giữ chân nhân lực chất lượng cao, ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám", đồng thời thu hút thêm nguồn lực từ các doanh nhân Việt kiều.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, nếu chỉ dừng ở nghị quyết mà hệ thống pháp luật chậm cập nhật thì sẽ khó triển khai trên thực tế. Muốn nghị quyết đi vào đời sống, các bộ, ngành phải sửa đổi nhanh các luật, nghị định, thông tư, đồng thời loại bỏ tình trạng chồng chéo giữa các địa phương. Ví dụ, liên quan đến đất đai, mỗi văn phòng đăng ký lại làm một kiểu, rất khó cho DN. "Nghị quyết 68 là một lời cam kết chính trị mạnh mẽ: Doanh nhân là trung tâm, là động lực then chốt của nền kinh tế. Vấn đề còn lại là cơ chế thực thi phải đồng bộ, minh bạch, nhất quán, để tinh thần của nghị quyết thực sự trở thành động lực thúc đẩy DN Việt vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới" - ông Vũ nói.
Đề xuất ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân
Chuyên gia của Fulbright nhận định để triển khai Nghị quyết 68, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải sửa một số luật, nên chăng cần ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân để xứng với quy mô, tầm vóc. "Với tinh thần của Luật Phát triển kinh tế tư nhân, những gì chồng chéo, hạn chế sự phát triển ở góc độ hành pháp cần sự vào cuộc để rà soát lại từ Chính phủ tới các bộ, ngành. Các địa phương cần nhanh chóng ban hành chương trình hành động, phải sát thực tế; cũng có quy định của mình để tránh chồng chéo, mâu thuẫn" - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất.
Ngoài ra, các quy định trong nghị quyết phải chuyển hóa được vào quy định của ngành, địa phương; đặc biệt phải tích hợp được vào quy hoạch của các địa phương gắn với sáp nhập các tỉnh, thành phù hợp với chiến lược phát triển của trung ương và địa phương.
__________
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-5