Kinh tế tư nhân đã có đòn bẩy (*): Đưa doanh nghiệp dẫn đầu 'đường đua'
Việc Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân là định hướng đúng để thúc đẩy tăng trưởng, khơi thông nguồn lực toàn xã hội…
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) bàn về các giải pháp thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành
.Phóng viên: Lần đầu tiên, một nghị quyết riêng cho kinh tế tư nhân được ban hành, được đánh giá là cú hích rất lớn cho khu vực này, ông nhìn nhận ra sao?

- TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ: Việc Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân là định hướng đúng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, khơi thông nguồn lực toàn bộ xã hội cho phát triển.
Tôi cho rằng đây là một bước đi quan trọng, nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia…
Khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, được chứng minh bằng số liệu cụ thể, như có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Nổi bật, kinh tế tư nhân đang góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, khi các tập đoàn tư nhân lớn Vingroup, Hòa Phát, THACO, Vietjet, FPT... đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp ô tô, đầu tư đường sắt, hàng không đến công nghệ.
.Vậy Nghị quyết 68 ra đời sẽ thúc đẩy khu vực này phát triển ra sao hoặc góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể gì, thưa ông?
- Nghị quyết ra đời để giải quyết một số vấn đề thực tiễn và tạo nền tảng định hướng chính trị để thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân. Có một số yếu tố chính.
Một là, xác định vai trò và động lực của kinh tế tư nhân trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng để thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá cần có chính sách cụ thể. Hiện nay, khu vực này có nhiều thành phần từ các tập đoàn lớn đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các hợp tác xã. Mỗi nhóm đều cần chính sách riêng. Ví dụ, các tập đoàn lớn cần cơ chế để tham gia những dự án tầm cỡ quốc gia như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị (metro) hay chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong khi đó, các hộ kinh doanh cần được hỗ trợ về thuế, thủ tục hành chính để sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình DN.

Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ vừa được Tập đoàn Vingroup khởi công tháng 4 vừa qua. Đây là một trong những siêu dự án được Chính phủ và lãnh đạo TP HCM rất quan tâm .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hai là, gỡ vướng về thể chế và chính sách. Nghị quyết 68 nhấn mạnh các chính sách phải bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và nguồn lực vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác.
Mấu chốt là giảm thiểu thủ tục hành chính, cụ thể là phải cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Để đạt được những mục tiêu trên, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin và có hệ thống giám sát độc lập từ bên ngoài.
.Một trong những đột phá gần đây của khu vực kinh tế tư nhân là việc hợp vốn để cùng triển khai những đại dự án, chúng ta cần chính sách gì để thúc đẩy việc này?
- Bối cảnh hiện tại cần vai trò đồng kiến tạo của khu vực kinh tế tư nhân. DN tư nhân không chỉ tham gia mà còn phải cùng kiến tạo các dự án lớn. Như trong lĩnh vực đường sắt cao tốc hay các tuyến metro, những tập đoàn lớn như Hòa Phát (cung cấp thép), THACO (cơ khí), hay FPT, Viettel (công nghệ) đều có thể tham gia.
Song song với vai trò đồng kiến tạo, phải là nâng tỉ lệ nội địa hóa với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực DN trong nước vào những dự án này. Điều đó không chỉ giúp DN tư nhân lớn mạnh mà còn tạo cơ hội cho các DN vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
.Một trong những vấn đề được DN phản ánh là giá đất quá cao và nghị quyết cũng đã yêu cầu cần có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, ông nghĩ sao?
- Đúng là giá đất đang quá cao và cần phải kiểm soát. Bởi, giá đất cao không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của DN, mà còn khiến nguồn lực xã hội tập trung vào đất đai quá nhiều. Vì vậy, Nghị quyết có nêu yêu cầu phải giải quyết bài toán này, bằng cách ưu tiên vốn cho sản xuất, thương mại, dịch vụ và hạn chế đầu cơ đất đai. Giá đất cao không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, vì nó chặn cơ hội sở hữu nhà ở của đa số người dân.
.Ông kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ tác động đến khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là khu vực DN ở TP HCM, ra sao?
- Nghị quyết 68 là bước mở đường để thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân nhưng không thể giải quyết tất cả ngay lập tức, mà cần có các nghị định, chính sách cụ thể đi cùng. Tuy nhiên, các luật, nghị định mới cũng phải dựa trên tinh thần xem kinh tế tư nhân là một nguồn lực quan trọng nhất cho tăng trưởng.
Với TP HCM, hàng loạt dự án chiến lược sẽ được đầu tư mạnh trong năm nay như đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến metro, cùng với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là những "động lực kép" mở ra cơ hội lớn cho DN tư nhân tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực trọng yếu.
Trong kỷ nguyên vươn mình, bứt phá, DN không chỉ cần tăng trưởng mà còn phải gắn liền với đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là hình thành hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu DN mới, đủ sức cạnh tranh và vươn tầm. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đầu tư công tiếp tục giữ vai trò "người dẫn đường", tạo hiệu ứng lan tỏa để kích hoạt dòng vốn tư nhân. DN tư nhân cần được đặt vào vị trí dẫn đầu trong cuộc đua phát triển, góp phần tăng cường nội lực của nền kinh tế thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-5
Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Chủ nhiệm CLB Bất động sản TP HCM: Cần "tạo động lực" thay vì chỉ "trợ giúp"
Để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong các chính sách trước đó.
Trước hết, chính sách dù tốt đến đâu cũng sẽ không hiệu quả nếu khâu thực thi tại địa phương chậm trễ, thiếu đồng bộ. DN thường gặp khó khi tiếp cận chính sách vì vướng thủ tục, thiếu hướng dẫn rõ ràng. Chúng ta cần một cơ chế giám sát thực thi hiệu quả, và đặc biệt là kênh phản hồi trực tiếp từ DN để kịp thời điều chỉnh chính sách theo thực tiễn.
Ngoài ra, điều kiện thụ hưởng chính sách hiện nay còn phức tạp. Nhiều tiêu chí quá cao, không phù hợp với năng lực của DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể - những đối tượng chiếm tỉ lệ lớn trong nền kinh tế. Thủ tục rườm rà khiến họ nản lòng, dù chính sách trên giấy rất tốt.
Tôi cho rằng thay vì chỉ hỗ trợ tài chính hay hành chính, chúng ta cần chuyển trọng tâm sang tạo động lực phát triển. Chính sách phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh và hỗ trợ DN phát triển bền vững. Điều đó bao gồm cả việc hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu - những yếu tố mang tính dài hạn.
Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM: Chính sách phải chạm đến thực tế
DN chỉ thực sự tin tưởng vào chính sách khi họ cảm nhận được hiệu quả cụ thể, chứ không phải những cam kết trên văn bản. Thủ tướng đã chỉ đạo mạnh mẽ việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính và chi phí bất hợp lý nhưng nhiều dự thảo nghị định gần đây của các bộ, ngành lại đi ngược tinh thần đó - làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí.
Rất may, các dự thảo này được công bố công khai để cộng đồng DN có thể góp ý. Tháng 3 vừa qua, 6 hiệp hội ngành nghề đã cùng gửi kiến nghị lên Thủ tướng, phản ánh nguy cơ các quy định mới sẽ tạo thêm rào cản thay vì gỡ khó cho DN.
Có tình trạng "trên nóng dưới lạnh", khi Chính phủ yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn, còn một số bộ, ngành vẫn giữ tư duy "không quản được thì cấm". Nếu không khắc phục được sự lệch pha giữa chỉ đạo và thực thi, thì những chính sách tốt đẹp vẫn sẽ nằm trên giấy.
Chính sách muốn đi vào cuộc sống cần có người thực hiện phù hợp, cơ chế vận hành hiệu quả và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì DN sẽ tiếp tục gặp khó, khó phục hồi chứ đừng nói đến phát triển.
Tôi đặc biệt lưu ý rằng TP HCM hiện có khoảng 400.000 hộ kinh doanh cá thể, là nguồn lực khổng lồ nếu được hỗ trợ đúng cách. Chúng ta cần tạo điều kiện để họ chuyển đổi thành DN nhỏ - bằng cách miễn giảm thuế, áp dụng hệ thống kế toán đơn giản, hỗ trợ tiếp cận vốn, thị trường... Khi đó, thành phố sẽ hình thành đội ngũ DN bền vững qua nhiều thế hệ.
Thanh Nhân - Sơn Nhung ghi