Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo

Dù kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng vượt qua kỳ vọng của thị trường, giới phân tích cảnh báo sức ép đối với tăng trưởng đang tăng lên, đòi hỏi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích cầu...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong quý 2 vừa qua, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng vượt qua kỳ vọng của thị trường, cho thấy sự vững vàng trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Dù vậy, giới phân tích cảnh báo sức ép đối với tăng trưởng đang tăng lên, đòi hỏi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích cầu.

Cho tới thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tránh được sự giảm tốc mạnh, nhờ thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung và các biện pháp hỗ trợ chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Nhưng các nhà quan sát dự báo nền kinh tế sẽ yếu đi trong nửa sau của năm nay, khi tăng trưởng xuất khẩu có thể suy yếu, giá cả trong nước tiếp tục giảm và niềm tin của người tiêu dùng còn ở mức thấp.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/7/2025 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 5,2% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm 2024, giảm tốc so với mức tăng 5,4% trong quý 1/2025, nhưng cao hơn mức dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

“Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn mục tiêu chính thức 5% trong quý 2 vừa qua một phần nhờ các đơn hàng xuất khẩu được đẩy nhanh”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định. “Việc tăng trưởng mạnh hơn mục tiêu trong quý 1 và quý 2 mang lại cho Chính phủ Trung Quốc dư địa để chấp nhận một sự giảm tốc nhất định trong nửa sau của năm nay”.

Nếu so với quý trước, GDP quý 2 của Trung Quốc tăng 1,1% so với quý 1, cao hơn dự báo là tăng 0,9%, nhưng thấp hơn một chút so với mức tăng 1,2% của quý 1.

Giới đầu tư đang theo dõi liệu Trung Quốc có phát tín hiệu tung thêm các biện pháp kích cầu mới tại cuộc họp Bộ Chính trị vào cuối tháng 7. Kỳ họp này có thể sẽ quyết định đường đi chính sách của Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm nay.

Những tháng qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người tiêu dùng, bên cạnh duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ. Hồi tháng 5/2025, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính như một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi thuế quan của Mỹ.

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới. Một số nhà phân tích cũng tin rằng Bắc Kinh có thể đẩy mạnh chi tiêu công nếu tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh.

Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo chỉ riêng kích cầu có thể sẽ không đủ để giải quyết áp lực giảm phát đã ăn sâu vào nền kinh tế Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, giá nhà sản xuất của nước này giảm mạnh nhất trong gần 2 năm.

Nhà kinh tế Zichun Huang của công ty Capital Economics nhận định: “Với xuất khẩu sẽ chậm lại và tác động từ các biện pháp kích thích tài khóa giảm dần, kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc thêm trong nửa sau của năm nay”.

Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,5% trong quý 3 và 4% trong quý 4/2025, phản ánh những trở ngại kinh tế ngày càng gia tăng khi cuộc chiến thương mại toàn cầu tiếp diễn. Theo cuộc thăm dò này, tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm còn 4,6% - thấp hơn mục tiêu chính thức - từ mức 5% của năm 2024 và sẽ tiếp tục giảm còn 4,2% vào năm 2026.

Dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 6 do NBS công bố ngày 15/7/2025 đã vẽ nên một bức tranh không đồng nhất về kinh tế Trung Quốc: sản lượng công nghiệp tháng 6/2025 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2024, nhanh hơn so với mức 5,8% của tháng 5/2025 và vượt dự báo, nhưng tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại.

Đầu tư tài sản cố định tăng 2,8% trong sáu tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, chậm lại so với mức 3,7% trong 5 tháng đầu năm 2025 và thấp hơn dự báo tăng 3,6% của các nhà phân tích đưa ra.

Cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc vẫn là lực cản đối với tăng trưởng chung, với đầu tư vào lĩnh vực này giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2025, sau khi giảm 10,7% trong 5 tháng đầu năm 2025.

Dữ liệu gần đây cũng cho thấy giá nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 6/2025 đã giảm với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong 8 tháng, cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc phục hồi nhu cầu bất động sản sau nhiều đợt hỗ trợ đã được triển khai.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-vuot-du-bao.htm
Zalo