Tăng 'sức đề kháng' trước luận điệu chống phá chính sách thuế mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế sâu rộng, từ ngày 1/7/2025, các quy định chính sách thuế mới và sửa đổi có hiệu lực, tạo ra những chuyển biến lớn trong hoạt động kinh doanh và đời sống. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại xuyên tạc, kích động tư tưởng bất mãn, chống đối, gây tâm lý hoang mang đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp.
Chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt
Những ngày qua, các thế lực phản động và một số cá nhân đã liên tục có những quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo về chính sách thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, nhằm thực hiện mưu đồ xấu, gây tâm lý hoang mang, dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng, Nhà nước. Chúng đả kích, vu khống hết sức thô thiển rằng, “Nhà nước bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh không còn đất sống”, “người dân “khó thở” vì chính sách thuế mới của chính quyền”, “Đảng, Nhà nước tận thu”, “kỷ nguyên tận thu, thuế chồng thuế”... hòng chống phá chủ trương, chính sách về thuế, bôi nhọ Đảng, Nhà nước.
Các phần tử chống đối cho đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok,... với những thông tin, hình ảnh các cơ sở kinh doanh trả mặt bằng, đóng cửa nghỉ kinh doanh, cơ sở kinh doanh không nhận chuyển khoản để “né thuế”... khi chính sách thuế mới sắp có hiệu lực. Thậm chí, các tổ chức phản động đã thâm độc vu cáo rằng, “ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Chỉ béo cán bộ”, “thu thuế khắp mọi nơi”... và còn lan truyền bài viết với nội dung gần 97 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong 4 tháng đầu năm 2025. Chúng rêu rao, công cuộc phòng, chống tham nhũng đang làm “đóng băng nền kinh tế”, “gây cản trở cho đầu tư nước ngoài”, “làm suy giảm tăng trưởng”...

Ngày càng có nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong giao dịch thanh toán. Ảnh: H.HOA
Riêng về Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như chủ trương “bỏ thuế khoán để hộ kinh doanh lên doanh nghiệp” có nhiều người chưa nắm rõ đã vội lên mạng xã hội chỉ trích; rồi cung cấp thông tin, hình ảnh nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh không nhận thanh toán bằng chuyển khoản, đề nghị khách hàng thanh toán bằng tiền mặt. Cơ quan chức năng nhắc nhở xử phạt, buộc gỡ thông tin nhiều trường hợp. Khi nhận ra sai thì thông tin họ chia sẻ đã bị các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo.
Phản bác các thông tin sai trái
Theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, từ ngày 1/6/2025, những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế...
Các chính sách thuế mới, chủ yếu là việc tính thuế dựa trên doanh thu thực tế là cần thiết, bảo đảm kinh doanh công bằng, minh bạch và bình đẳng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường, từ doanh nghiệp lớn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Việc thu thuế đúng, đủ và công bằng là nền tảng để Nhà nước có nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, phục vụ lại chính người dân và doanh nghiệp.
Trước đây, phần lớn hộ và cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ chỉ ghi chép số liệu đơn giản bằng tay, nên hình thức thuế khoán phù hợp với giai đoạn đầu của kinh tế thị trường. Song, trong bối cảnh nền kinh tế số hóa và hội nhập, việc bỏ thuế khoán chính là tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới phát triển theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Từ ngày 1/1/2026, thuế khoán bị bãi bỏ theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Thay vào đó, hộ kinh doanh phải chuyển sang kê khai thuế theo doanh thu thực tế. Đây cũng là động lực thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, là nội dung quan trọng của Nghị quyết 68-NQ/TW.
Để phản bác những chiêu trò xuyên tạc về chính sách thuế mới, đảm bảo doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh cần miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Các cơ quan chức năng triển khai thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW đã quy định các chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện chính sách thuế không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Công dân cần nắm, hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật của nhà nước về thuế; né thuế, tránh thuế là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu có dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ, gây thất thu lớn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, không dao động, hoang mang trước các thông tin chưa được kiểm chứng, những luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Tuân thủ các chính sách thuế mới, siết chặt kiểm tra hàng hóa và minh bạch hóa chính sách thuế, đồng thời nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Đây là việc cần thực hiện, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững, là cơ hội để khẳng định vị thế Việt Nam trong nền kinh tế thế giới và hội nhập thành công.
Cơ quan thuế cần đa dạng hình thức tuyên truyền chính sách thuế mới, tổ chức tuyên truyền miệng qua các hội nghị, tập huấn, phát hành tận tay các hộ, doanh nghiệp về tài liệu hướng dẫn, hỏi đáp... dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Thông tin, tuyên truyền cổ động qua nhiều kênh như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo in, mạng xã hội, trực quan bằng hình ảnh, thông tin ở các chợ, khu thương mại, trung tâm dịch vụ công, nút giao thông, cộng đồng... để người dân được tiếp cận thuận lợi. Thành lập đường dây nóng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu nhận thông tin và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân; hướng dẫn đối tượng kê khai, nộp thuế; hỗ trợ thuế trực tuyến với người tiêu dùng.