Vướng 'phân cấp', nông sản kẹt đường xuất khẩu

Hàng loạt lô thanh long, ớt, đậu bắp từ TPHCM và các tỉnh phía Nam xuất sang châu Âu đang bị ùn ứ suốt từ đầu tháng 7. Nguyên nhân bắt nguồn từ một văn bản hành chính khiến cả hệ thống cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu bị đình trệ.

Thiếu giấy kiểm dịch, nông sản xuất khẩu nằm chờ

Thanh long là nông sản bắt buộc kiểm dịch theo từng tiêu chuẩn riêng của từng thị trường nhập khẩu, vốn do các chi cục kiểm dịch vùng đảm trách. Ảnh: Trung Chánh

Thanh long là nông sản bắt buộc kiểm dịch theo từng tiêu chuẩn riêng của từng thị trường nhập khẩu, vốn do các chi cục kiểm dịch vùng đảm trách. Ảnh: Trung Chánh

Từ đầu tháng 7, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản rơi vào cảnh lao đao khi các lô hàng trái cây như thanh long, đậu bắp, ớt… không thể thông quan sang châu Âu. Điều bất ngờ là “nút thắt” không đến từ phía thị trường nhập khẩu, cũng không phải do dịch bệnh hay logistics – mà từ chính một thay đổi hành chính trong nước.

Cụ thể, Thông tư 12/2025/TT-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ký ngày 19-6 và có hiệu lực chỉ 11 ngày sau đó, 1-7, đã chính thức chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc bộ này về UBND cấp tỉnh.

Trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã quen làm việc với 9 chi cục kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Như ở TPHCM và các tỉnh lân cận, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II tại TPHCM đảm trách cấp giấy. Giấy chứng nhận này là bắt buộc để chứng minh lô hàng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của nước nhập khẩu – ví dụ, trái thanh long phải kiểm dịch vì thường nhiễm ruồi đục trái.

Trên giấy tờ, việc phân cấp cho địa phương giúp doanh nghiệp khỏi phải đi lại xa, như trước đây các tỉnh lân cận TPHCM về Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II ở TPHCM để được cấp thì nay không cần, chỉ cần đến cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh. Nhưng trên thực tế, việc chuyển giao được thực hiện theo cách “cắt ngang”, không giai đoạn chuẩn bị hay đánh giá năng lực tiếp nhận của các địa phương, bởi không phải tỉnh nào cũng có điều kiện lập bộ phận kiểm dịch vốn cần đầu tư máy móc thiết bị, con người, đào tạo... ít nhất cũng 3-6 tháng.

Kết quả là khi Thông tư có hiệu lực, các sở lúng túng không biết nhận và xử lý hồ sơ thế nào, ai đóng dấu, con dấu của mình có được quốc tế công nhận hay không, doanh nghiệp không biết nộp cho ai, trong khi hàng hóa thì nằm “chờ giấy” trong kho lạnh.

Chủ trương đúng, cách làm sai

Tại TPHCM, do có Sở An toàn thực phẩm, cơ quan này được giao thẩm quyền kiểm dịch. Tuy nhiên, theo phản ánh, phải đến ngày 11-7, tức hơn 10 ngày sau khi Thông tư có hiệu lực, Sở mới nhận được văn bản hướng dẫn từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Trong khoảng thời gian đó, cơ quan này loay hoay giữa việc tiếp nhận nhiệm vụ mới và xử lý công việc thường xuyên.

Nếu ngay cả TPHCM – nơi có cơ quan chuyên trách và nhân sự dày dạn – còn gặp khó, thì không khó hình dung tình cảnh khó khăn tại các tỉnh chưa từng có kinh nghiệm xử lý hồ sơ xuất khẩu theo tiêu chuẩn cao như châu Âu, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc.

Trước đây, các chi cục kiểm dịch vùng đã quen thuộc với quy chuẩn kỹ thuật, dữ liệu cập nhật và thiết bị xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Việc “rút” toàn bộ thẩm quyền khỏi hệ thống này mà không có chuyển tiếp, đã phơi bày các điểm yếu của cấp tỉnh: thiếu nhân sự, thiếu kiến thức chuyên môn và cả thiết bị hỗ trợ.

Thông tư 12 không chỉ phân cấp việc cấp giấy chứng nhận cho thực phẩm là thực vật xuất khẩu mà còn đồng thời chuyển ba nhiệm vụ khác: công nhận tổ chức khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; cấp lại thẻ hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch; và xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật. Nghe qua thì đây là chủ trương cải cách mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy không phải tỉnh nào cũng đủ năng lực tiếp nhận cùng lúc cả bốn nhiệm vụ này.

Thiệt hại dồn về doanh nghiệp

Tình trạng chờ đợi giấy tờ khiến nhiều lô hàng nằm kho dài ngày, có nguy cơ hư hỏng hoặc bị hủy hợp đồng do giao hàng chậm. Một số doanh nghiệp cho biết dù hồ sơ đầy đủ, họ không rõ phải nộp cho cơ quan nào và chờ trong bao lâu. Với những thị trường khó tính như EU, chỉ một lỗi nhỏ trong giấy tờ cũng khiến lô hàng bị từ chối.

Điều đáng lo hơn là sự cố này có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản sang châu Âu – thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nếu không xử lý kịp thời, hệ lụy có thể lan sang các thị trường khác, ảnh hưởng lâu dài đến uy tín quốc gia.

Một số địa phương chưa từng thẩm định nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, chưa từng xử lý hồ sơ xuất khẩu theo tiêu chuẩn cao, và chưa có phòng thí nghiệm được công nhận quốc tế. Việc “trao chìa khóa” nhưng không chỉ cách mở cửa là công thức dẫn đến hệ lụy này và doanh nghiệp đang gánh chịu hậu quả trực tiếp từ cách làm thiếu chuẩn bị mang danh cải cách.

Cải cách không thể tùy tiện

Câu chuyện ách tắc xuất khẩu rau quả không đơn thuần là một “lỗi kỹ thuật”. Nó là minh chứng cho thực tế rằng cải cách hành chính ở nhiều nơi vẫn được thực hiện theo kiểu “ra văn bản là xong”, thiếu đánh giá năng lực thi hành, thiếu lộ trình thực hiện và bỏ qua đào tạo chuyển tiếp.

Phân cấp là xu thế đúng – để cơ quan quản lý gần doanh nghiệp, gần dân hơn – nhưng không đồng nghĩa với buông lỏng. Nếu không đảm bảo điều kiện thực hiện thì việc phân cấp chỉ mang tính hình thức, thậm chí là đẩy trách nhiệm từ trung ương xuống địa phương. Từ một chủ trương tốt, nếu không chuẩn bị đầy đủ sẽ dẫn đến thiệt hại thật – mà trước tiên là cho chính doanh nghiệp, và rộng hơn là uy tín quốc gia trên thị trường xuất khẩu.

Hồng Ngọc

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vuong-phan-cap-nong-san-ket-duong-xuat-khau/
Zalo