Tăng trưởng tín dụng gần 10%, các ngân hàng tư nhân định hình lại 'cuộc chơi' nửa cuối năm

Với tín dụng tăng gần 10%, huy động ổn định và thu nhập ngoài lãi cải thiện, ngành ngân hàng Việt Nam đang hút dòng tiền trở lại. Nhóm ngân hàng tư nhân chiếm ưu thế tăng trưởng, mở ra triển vọng cho các mã cổ phiếu chủ chốt trong nửa cuối năm.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ duy trì trạng thái nới lỏng, giải ngân đầu tư công tăng tốc và các yếu tố vĩ mô dần ổn định, ngành ngân hàng Việt Nam năm 2025 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực ở nhiều chỉ tiêu then chốt. Tín dụng toàn hệ thống đến hết tháng 6/2025 tăng 9,90% so với đầu năm, cao hơn đáng kể mức 6,1% cùng kỳ 2024, theo báo cáo của MBS Research.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ phân khúc tín dụng doanh nghiệp, hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp. Cùng với đó, huy động toàn hệ thống tăng 5,09% YTD, trong đó VPBank nổi bật với mức tăng 15,7% nhờ chiến lược đẩy mạnh bán lẻ và chính sách lãi suất cạnh tranh.

Lãi suất tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng lớn duy trì quanh mức 4,7%, trong khi nhóm nhỏ dao động khoảng 5,0%, dự báo sẽ tăng nhẹ lên 5,5–6,0% vào cuối năm khi nhu cầu vốn trở lại. Biên lãi ròng (NIM) toàn ngành tiếp tục chịu áp lực giảm do cạnh tranh huy động và dư địa mở rộng tín dụng tập trung vào nhóm khách hàng ưu tiên lãi suất thấp.

Dù vậy, VPB, MBB và TCB được kỳ vọng sẽ chỉ suy giảm nhẹ nhờ danh mục tín dụng hiệu quả và cơ cấu tài sản linh hoạt.

Chất lượng tài sản toàn ngành vẫn cần theo dõi khi tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức quanh 2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm còn 80,2%, mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19, cho thấy năng lực dự phòng đang dần suy yếu. Dự báo trong các quý tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trích lập dự phòng nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh từ mở rộng tín dụng cá nhân và doanh nghiệp vừa.

Chính sách tiền tệ ổn định, lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 68 tạo điều kiện để tín dụng phục hồi mạnh. Đồng thời, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, cùng kỳ vọng nới room tín dụng linh hoạt hơn đối với các ngân hàng có nền tảng vốn tốt sẽ giúp các tổ chức tín dụng tăng trưởng quy mô.

Ngành ngân hàng cũng đang được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, nơi các ngân hàng tư nhân đang đẩy mạnh tài trợ vốn và tham gia sâu vào chuỗi thanh toán.

Thu nhập ngoài lãi (Non-II) trong quý I/2025 tăng mạnh 20,7% so với cùng kỳ nhờ xử lý nợ xấu, dịch vụ thanh toán và thu hồi nợ. Dự báo cả năm 2025, Non-II toàn ngành tăng khoảng 13,4%. Mảng bảo hiểm (bancassurance) vẫn chưa phục hồi rõ nét sau các đợt rà soát và siết quy trình phân phối, do đó động lực tăng trưởng Non-II tiếp tục phụ thuộc vào hoạt động lõi và thu hồi nợ.

Các ngân hàng có tỷ trọng thu nhập dịch vụ cao, đặc biệt trong thanh toán và chuyển tiền, tiếp tục là điểm sáng trong cơ cấu lợi nhuận năm nay.

Về triển vọng cổ phiếu, MBS Research duy trì đánh giá tích cực đối với nhóm ngân hàng thương mại lớn và tư nhân nhờ nền tảng chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng lợi nhuận ổn định và định giá hấp dẫn.

 Ảnh: MBS

Ảnh: MBS

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) được MBS đánh giá là lựa chọn ưu tiên trong nhóm quốc doanh nhờ nền tảng chất lượng tài sản vượt trội và hiệu quả hoạt động ổn định. Năm 2025, VCB được dự báo đạt lợi nhuận ròng 35.580 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm trước, với tăng trưởng tín dụng khoảng 16%.

Ngân hàng giữ vững tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trên 200%, mức cao nhất trong hệ thống, giúp duy trì khả năng chống chịu rủi ro tín dụng. Với định giá mục tiêu P/B 2,4x, MBS tiếp tục khuyến nghị tích cực cổ phiếu VCB nhờ lợi thế CASA cao và thương hiệu mạnh.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) có triển vọng tích cực khi lợi nhuận sau thuế năm 2025 dự kiến đạt 28.734 tỷ đồng, tăng 12,8%, đi kèm tăng trưởng tín dụng trên 15%. Ngân hàng đang duy trì bộ đệm dự phòng lớn, hỗ trợ kiểm soát nợ xấu trong bối cảnh tín dụng mở rộng.

CTG được định giá ở mức P/B mục tiêu 1,6x, thấp hơn VCB nhưng đi kèm mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn, tạo dư địa tăng giá cho cổ phiếu. Lợi thế mạng lưới truyền thống và sự tham gia mạnh vào tín dụng doanh nghiệp lớn giúp CTG được MBS khuyến nghị khả quan.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) tiếp tục nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và SME. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 25%, với lợi nhuận dự báo tăng mạnh và biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao 4,7%.

Mặc dù đang trong giai đoạn tái cấu trúc chất lượng tài sản sau thời gian mở rộng nhanh, ngân hàng vẫn được đánh giá cao về tiềm năng phục hồi. Với định giá mục tiêu P/B 1,2x, VPB phù hợp với nhà đầu tư tìm kiếm cổ phiếu có mức sinh lời cao và khả năng bật tăng nếu xử lý nợ xấu hiệu quả.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDB) là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, với kế hoạch 32% cho năm 2025. Biên lãi ròng (NIM) dự báo đạt 4,9%, giúp duy trì lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 26,5% so với năm trước.

HDB có danh mục cho vay hướng vào khu vực đầu tư công, doanh nghiệp nhỏ và vừa, những phân khúc hưởng lợi lớn từ chính sách. Với định giá P/B mục tiêu 1,4x, cổ phiếu HDB được MBS khuyến nghị tích cực nhờ tốc độ tăng trưởng cao và khả năng mở rộng mạng lưới hiệu quả.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) được dự báo sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22% trong năm 2025. Lợi nhuận ròng dự kiến đạt 10.208 tỷ đồng, đi kèm khả năng kiểm soát tốt nợ xấu và nhóm nợ dưới chuẩn.

VIB tiếp tục giữ thế mạnh ở phân khúc bán lẻ và tín dụng cá nhân, đóng góp lớn vào thu nhập lãi thuần. Với định giá P/B mục tiêu 1,2x, MBS đánh giá VIB là cổ phiếu tăng trưởng ổn định, có tiềm năng hấp dẫn trong nhóm ngân hàng tư nhân.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2025, với lợi nhuận ròng dự kiến tăng 18,2%. TPB nổi bật với nền tảng ngân hàng số phát triển sớm, giúp kiểm soát chi phí hoạt động và mở rộng tệp khách hàng hiệu quả. MBS định giá TPB ở mức P/B mục tiêu 1,0x, phản ánh khả năng duy trì lợi nhuận ổn định cùng lợi thế công nghệ so với các đối thủ cùng ngành.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) có tín dụng dự báo tăng 16%, nhưng biên lãi ròng (NIM) 2025 dự kiến giảm 24 điểm cơ bản, gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Lợi nhuận ròng năm 2025 ước tính tăng 9,6%, đạt mức thấp hơn so với nhóm ngân hàng cùng quy mô. Định giá P/B mục tiêu là 1,7x, tuy nhiên MBS đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BID do triển vọng lợi nhuận kém sôi động và rủi ro biên lợi nhuận thu hẹp trong nửa cuối năm.

MBS Research đánh giá khối ngân hàng tư nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong năm 2025, với tăng trưởng lợi nhuận ròng dự báo đạt 25,9% so với cùng kỳ, vượt trội so với mức 8,2% của nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong bối cảnh môi trường vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ và dư địa tăng trưởng tín dụng còn dồi dào, ngành ngân hàng được kỳ vọng duy trì vai trò trụ cột trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ vị thế dẫn dắt trên thị trường tài chính.

Nga Chen

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tang-truong-tin-dung-gan-10-cac-ngan-hang-tu-nhan-dinh-hinh-lai-cuoc-choi-nua-cuoi-nam.html
Zalo