Kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ
Chiều 14.2, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã thảo luận ở Tổ 1 về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Theo đánh giá của các đại biểu, năm 2024, nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên là rất cần thiết
Thảo luận tại Tổ 1, các ĐBQH Quốc hội bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt được tăng trưởng hai con số, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng. Theo đánh giá của các đại biểu, năm 2024, nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Cùng với đó, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra; tăng trưởng GDP ước đạt 7,09%; quy mô GDP đứng thứ 33 thế giới ( tăng 02 bậc so với năm 2023); GDP bình quân đầu người tiến sát vào nhóm các nước thu nhập cao...
Đáng chú ý, các chỉ tiêu về năng suất lao động, doanh nghiệp, phát triển văn hóa, an sinh xã hội, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... đều đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước đã báo cáo Trung ương và Quốc hội. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách, giải pháp điều hành được nâng lên giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là nền tảng, động lực quan trọng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025 để thực hiện các mục tiêu của đề án và tin tưởng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 1](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51479122/48a5d9ceeb8002de5b91.jpg)
Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 1
Theo ĐBQH Tạ Đình Thi, việc Chính phủ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên là rất cần thiết khi nguy cơ tụt hậu hiện hữu, cần tăng tốc phát triển kinh tế. Với 5 nhóm giải pháp của Chính phủ để đạt được mục tiêu trên, đại biểu xác định đây là những giải pháp cơ bản, đồng bộ cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, việc tạo lập niềm tin của thị trường rất cần thiết. Khi có niềm tin vào thị trường, doanh nghiệp, người dân sẽ đầu tư, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, trong dự thảo đề án cần nghiên cứu bổ sung giải pháp phát triển toàn diện thị trường hàng hóa, dịch vụ, vốn, khoa học công nghệ, bất động sản, lao động... Đồng thời, ĐBQH Tạ Đình Thi cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hiểu, đồng lòng thực hiện.
Nhất trí cao về các đề xuất cũng như giải pháp của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy đầu tư công là rất quan trọng. Vì thế, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng đạt 8%, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện. Đại biểu cho rằng, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia... có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, việc thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp nền kinh tế nước ta tiến kịp và tăng tốc so với các nền kinh tế trong khu vực.
“Rõ người, rõ việc” trong phân công nhiệm vụ của Chính phủ
Dưới góc nhìn của mình, ĐBQH Hoàng Văn Cường chỉ ra một số thách thức và đề nghị, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, bắt buộc phải dồn mọi sức lực, vượt qua khó khăn. Theo đó, Chính phủ vừa có Nghị quyết số 25/NQ-CP giao chỉ tiêu tăng trưởng, mỗi địa phương phải tăng trưởng bao nhiêu, mỗi ngành phải hành động gì. Nếu tất cả cùng hành động tạo xung lực nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Đáng chú ý, sau khi nghiên cứu các giải pháp của Chính phủ, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị cần sớm tháo gỡ rào cản, nhất là về thể chế, hỗ trợ đầu tư tư nhân, giúp khu vực tư nhân phục hồi nhanh. Về đầu tư công giai đoạn 2024 - 2025, không nên dừng lại đầu tư cho hạ tầng mà phải đầu tư cho sản xuất; trong đó, cần thúc đẩy tháo gỡ và phát triển về thị trường bất động sản.
![ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận tại Tổ 1](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51479122/6bdcf0b7c2f92ba772e8.jpg)
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận tại Tổ 1
Còn ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cũng như thực tế tại Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đại biểu nhấn mạnh yêu cầu quyết tâm cao, giải pháp đột phá và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành cũng như mỗi địa phương. Đặc biệt, phải tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn; nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để có giải pháp kịp thời. Trong đó, với các dự án đầu tư công, các địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.
"Đồng thời, cần “rõ người, rõ việc” trong phân công nhiệm vụ của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và xác định lĩnh vực cần đẩy mạnh thời gian tới", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Cũng tại thảo luận Tổ 1, các ĐBQH thành phố Hà Nội cũng thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.