Kinh tế thế giới 6 tháng: Hướng đi của vàng trong nửa cuối năm
Thị trường vàng thế giới đã trải qua nửa đầu năm 2025 nhiều biến động khi tiếp nối đà tăng giá kỷ lục từ năm 2024. Kim loại quý này liên tục phá vỡ các ngưỡng giá lịch sử, củng cố vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng. Giới chuyên gia dự báo làn sóng mua vào của các ngân hàng trung ương và biến động địa chính trị, thuế quan vẫn sẽ là 'chất xúc tác' cho vàng trong thời gian còn lại của năm.

Trang sức vàng được trưng bày tại Cairo, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Vì sao vàng lên đỉnh?
Vàng thường có xu hướng tăng giá trong các giai đoạn bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị. Các sự kiện như chiến tranh thương mại leo thang, tình hình chiến sự ở Ukraine và Trung Đông, cùng khủng hoảng thị trường bất động sản ở Trung Quốc đã tạo ra bối cảnh phức tạp, khiến vàng trở thành kênh trú ẩn hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tìm đến tài sản an toàn, đẩy giá vàng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce vào ngày 14/3. Điều này đánh dấu lần đầu tiên sau một thời gian dài, địa chính trị và bất ổn kinh tế lại cùng trở thành lực đẩy trên thị trường vàng.
Trong sáu tháng đầu năm 2025, giá vàng đã tăng vọt gần 25%, sau khi ghi nhận mức tăng 27% trong năm 2024. Đáng chú ý, phiên 22/4 giá vàng giao xác lập kỷ lục chưa từng có 3.500,05 USD/ounce. Sau nhiều đợt điều chỉnh, tới ngày 2/7 giá vàng vẫn neo ở mức cao là 3.337,12 USD/ounce.
Ngoài ra, nợ công Mỹ tăng vọt (vượt 36.000 tỷ USD) cùng với sự xoay chiều đột ngột của Tổng thống Trump về thuế quan, tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bị đe dọa, càng làm lung lay niềm tin vào trái phiếu Kho bạc Mỹ - vốn từng là đối thủ của vàng trong vai trò tài sản trú ẩn an toàn.
Hơn nữa, các ngân hàng trung ương đang nổi lên là lực đẩy chính phía sau đà tăng kỷ lục của giá vàng. Theo ước tính của Goldman Sachs, các ngân hàng trung ương toàn cầu đang gom khoảng 80 tấn vàng mỗi tháng, tương đương khoảng 8,5 tỷ USD theo giá hiện tại. Hầu hết hoạt động mua vào này được thực hiện trong bí mật.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ước tính các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư quốc gia đang mua tổng cộng khoảng 1.000 tấn vàng mỗi năm, chiếm ít nhất 1/4 sản lượng vàng khai thác toàn cầu. Xu hướng này đã vượt mốc 1.000 tấn năm thứ ba liên tiếp.
Theo báo cáo của HSBC hồi tháng 1/2025, hơn 1/3 trong số 72 ngân hàng trung ương được khảo sát cho biết có kế hoạch mua thêm vàng trong năm 2025 và không ngân hàng nào có ý định bán ra. Các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ai Cập, Ireland và Kyrgyzstan, là những bên mua vàng lớn trong những năm gần đây, với mục đích giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và quản lý dự trữ quốc gia hiệu quả hơn.
Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng chính thức từ 1.054 tấn lên 2.279 tấn, đồng thời giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ xuống dưới 800 tỷ USD vào năm 2024. Nước này đã tăng dự trữ vàng tháng thứ tư liên tiếp tính đến tháng 2/2025 và nới lỏng hạn chế nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ.
Nga cũng ghi nhận tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối đạt 35,4% tính đến ngày 1/4/2025, mức cao nhất kể từ tháng 10/1999. Đáng chú ý, dòng vốn đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng tăng mạnh trở lại trong quý I/2025, đạt mức cao nhất kể từ năm 2022, đẩy nhu cầu đầu tư lên cao.
Dự báo từ các định chế tài chính lớn
Các tổ chức tài chính lớn đưa ra những dự báo khác nhau về giá vàng trong thời gian tới, phản ánh sự phân hóa trong nhận định về triển vọng kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Trong một báo cáo được công bố ngày 1/7, HSBC nhận định biên độ giao dịch của giá vàng sẽ rộng và nhiều biến động. Mức giá vàng cuối năm 2025 và 2026 sẽ lần lượt là 3.175 USD/ounce và 3.025 USD/ounce. HSBC cho rằng ngay cả khi giá vàng hạ nhiệt, việc duy trì trên ngưỡng 3.000 USD/ounce đã củng cố vai trò của vàng như một kênh trú ẩn an toàn và một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả.
Ngân hàng này cũng lưu ý rằng hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ chậm lại nếu giá tiếp tục tăng trên 3.300 USD/ounce. Ngược lại, hoạt động này có thể tăng lên nếu giá vàng điều chỉnh về gần mức 3.000 USD/ounce.
Trong khi đó, Goldman Sachs cũng đã nâng dự báo giá vàng từ 3.300 USD/ounce lên 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025, đồng thời nhận định trong "kịch bản cực đoan" giá vàng hoàn toàn có thể giao dịch gần mức 4.500 USD/ounce vào cuối năm 2025.
Về phần mình, JP Morgan dự đoán giá vàng trung bình sẽ đạt 3.675 USD/ounce vào quý IV/2025, sau đó vượt mốc 4.000 USD/ounce vào quý II/2026. Ngân hàng này cũng cho rằng giá vàng có thể tăng nhanh hơn dự kiến nếu nhu cầu thực tế cao hơn.
Theo giới phân tích, các ngân hàng trung ương sẽ duy trì việc mua vàng ở mức cao và xu hướng "phi đô la hóa" có thể được đẩy nhanh hơn khi các ngân hàng trung ương chuyển sang đa dạng hóa bằng các đồng tiền khác và vàng.
Nhu cầu vàng từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn rất mạnh mẽ do lo ngại về sự mất giá của đồng nội tệ và chính sách thuế quan của Mỹ. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng của vàng từ năm 2024. Ngoài ra, kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất có thể hỗ trợ giá vàng.
Theo các nhà quan sát, mặc dù có sự phân hóa trong dự báo ngắn hạn, đa số các tổ chức tài chính hàng đầu đều đồng thuận rằng giá vàng sẽ duy trì ở mức cao hơn nhiều so với trung bình lịch sử trong các năm 2025-2026, với các rủi ro có xu hướng nghiêng về phía tăng giá, trong đó diễn biến địa chính trị tiếp tục là nguồn gốc chính gây ra bất ổn.