Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh hơn dự báo
Theo dữ liệu vừa được công bố, nền kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức suy giảm lần đầu tiên trong vòng một năm trong quý I/2025, với tốc độ giảm sâu hơn dự báo.
Diễn biến này cho thấy đà phục hồi kinh tế của Nhật vẫn còn mong manh, trong bối cảnh các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo thêm sức ép.

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh hơn dự báo
Số liệu mới làm sâu sắc hơn những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang phải đối mặt, khi các mức thuế cao từ Mỹ phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô chủ lực.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản đã giảm 0,7% so với cùng kỳ trong quý I sau khi đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,2% theo dự báo trung bình của thị trường. Trước đó, GDP quý IV/2024 đã được điều chỉnh tăng 2,4%.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm là do tiêu dùng cá nhân trì trệ và xuất khẩu đi xuống, cho thấy nền kinh tế đã mất dần động lực từ nhu cầu bên ngoài ngay cả trước khi Tổng thống Trump công bố gói thuế “đối ứng toàn diện” vào ngày 2/4.
So với quý trước, GDP quý I của Nhật Bản giảm 0,2%, cũng vượt mức dự báo giảm 0,1% của thị trường.
Tiêu dùng tư nhân - đóng góp hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội - gần như không tăng trưởng trong quý I, trái ngược với kỳ vọng tăng nhẹ 0,1%. Trong khi đó, chi tiêu cho đầu tư tài sản cố định tăng 1,4%, cao hơn đáng kể so với dự báo 0,8%.
Cầu từ khu vực nước ngoài đã làm giảm 0,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, do xuất khẩu giảm 0,6% trong khi nhập khẩu tăng 2,9%. Ngược lại, cầu nội địa đóng góp tích cực 0,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu do Mỹ khơi mào đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh và gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc xác định thời điểm và phạm vi điều chỉnh lãi suất.
Sau khi chấm dứt chính sách kích thích tiền tệ kéo dài cả thập kỷ vào năm ngoái, BoJ đã nâng lãi suất chuẩn lên 0,5% trong tháng 1 và cho biết sẵn sàng tiếp tục tăng chi phí vay nếu đà phục hồi kinh tế ổn định, giúp Nhật đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Tuy nhiên, lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu do chính sách thương mại của Mỹ đã buộc BoJ phải cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng trong cuộc họp chính sách ngày 30/4-1/5, làm dấy lên hoài nghi về kỳ vọng rằng tăng lương bền vững sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và tăng trưởng chung.
Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp thị trường và giới hoạch định chính sách tạm thời bớt lo ngại, vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có thể đạt được các ngoại lệ thuế quan trong đàm phán song phương với Washington hay không.
Dữ liệu GDP kém khả quan này cũng có thể làm gia tăng áp lực lên Thủ tướng Shigeru Ishiba trước yêu cầu của các nghị sĩ về việc giảm thuế hoặc triển khai một gói kích thích kinh tế mới.