Kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn gì vào năm 2025?
Sự kết hợp giữa lãi suất cao kỷ lục và lạm phát dai dẳng là những yếu tố gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2025, theo Bloomberg.
"Giai đoạn tương đối tốt đối với nền kinh tế Nga, vốn dựa trên các nguồn lực tích lũy trước đó, đã kết thúc", Oleg Vyugin, nhà kinh tế và cựu quan chức ngân hàng trung ương hàng đầu cho biết. Theo ông, lạm phát cao đang ăn mòn tất cả sự tăng trưởng ngắn hạn này.
Ngoài ra, Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, đồng tiền của nước này gần đây suy yếu, triển vọng không chắc chắn về giá dầu và khả năng đối tác thương mại lớn nhất của nước này, Trung Quốc, có thể không thể tự mình vượt qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng.
Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tăng trưởng chậm vào năm 2025 xuống còn 0,5%, so với mức dự kiến 3,5-4% của năm ngoái và lạm phát sẽ chỉ trở lại mức mục tiêu là 4% vào năm 2026.
Mặc dù dự báo từ Bộ Kinh tế Nga lạc quan hơn, dự đoán tốc độ tăng trưởng là 2,5% trong năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố vào tháng trước rằng việc hạ nhiệt kinh tế là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm "ổn định" lạm phát.
Cho đến nay, nền kinh tế đã xoay xở để đạt được một số động lực bất chấp các lệnh trừng phạt, cũng nâng mức lương tương đối cao, giúp xoa dịu sự bất bình của công chúng đối với chiến tranh.
Lãi suất cao đã không thể kiềm chế được mức tăng giá, vượt quá mức mục tiêu. Tuy nhiên, vào tháng 12, Ngân hàng Nga vẫn duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 21%.
Quyết định không tăng chi phí vay được đưa ra sau khi cộng đồng doanh nghiệp chỉ trích ngày càng nhiều, họ cho rằng phương thuốc chữa lạm phát của ngân hàng đã trở nên có hại hơn và có thể gây ra làn sóng phá sản.
Sofya Donets, nhà kinh tế tại T-Investments, cho biết đây sẽ là "một năm thắt lưng buộc bụng" của kinh tế Nga. Theo ông Donets, giá dầu thô giảm là một trong những rủi ro lớn nhất đối với ngân sách của quốc gia này vào năm 2025.
Một ẩn số khác là chính cuộc chiến đang tiếp diễn giữa Nga - Ukraine. Các nhà phân tích tại Promsvyazbank tuyên bố rằng việc chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, được hứa hẹn bởi Tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức Donald Trump, có thể giúp đồng rúp mạnh lên và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh thu xuất khẩu trở lại Nga.
Đồng rúp suy yếu đáng kể so với đồng đô la và các vấn đề về thanh toán xuyên biên giới do các mối đe dọa trừng phạt của Hoa Kỳ cũng là những yếu tố góp phần ảnh hưởng tới kinh tế Nga.
Trong khi đó, Ukraine đã dừng vận chuyển khí đốt tự nhiên của Moscow qua lãnh thổ của mình. Mặc dù tác động kinh tế có thể không đáng kể, nhưng theo ước tính của nhiều nhà phân tích, nó vẫn có thể khiến Nga thiệt hại khoảng 0,2-0,3% GDP.