Xuất khẩu gỗ nhận diện thách thức để ứng phó, chinh phục kỷ lục mới

Khép lại một năm đầy thành công, xuất khẩu gỗ đang đứng trước những thời cơ, thách thức mới trong năm 2025. Việc nhận diện rõ thách thức để có giải pháp ứng phó, phòng ngừa là yêu cầu trọng tâm được ngành lâm nghiệp đề ra ngay những ngày đầu năm mới…

Năm 2024, xuất khẩu gỗ tiếp tục phá kỷ lục. Ảnh ST

Năm 2024, xuất khẩu gỗ tiếp tục phá kỷ lục. Ảnh ST

Tăng trưởng ngoạn mục, xô đổ kỷ lục cũ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 16,25 tỷ USD. Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 (15,8 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD.

Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành đạt khoảng 17,3 tỷ USD.

Trong đó, thời điểm cuối năm ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá của ngành. Chỉ tính riêng trong quý IV/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý III/2024 và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Những kết quả ấn tượng đạt được là nhờ năm vừa qua tiêu dùng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, đã tạo cơ hội cho ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng và mở rộng hiện diện tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ...

Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, sản lượng gỗ rừng trồng hiện đã đảm bảo được khoảng 75% cho nhu cầu sản xuất trong nước và sản lượng gỗ nhập khẩu đang giảm dần trong thời gian qua.

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, trong năm vừa qua, các doanh nghiệp ngành gỗ không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực chế biến, cũng như tích cực xúc tiến tìm kiếm các thị trường tiềm năng.

Theo đó, ngành gỗ đã phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình giao ban ngoại giao kinh tế để mở ra cơ hội giới thiệu, đưa sản phẩm gỗ đến các công ty, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại thị trường châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội vững chắc để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tương lai.

Mặt khác, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng hỗ trợ các doanh nghiệp gắn sản xuất giảm phát thải với chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đặc biệt là đổi mới trang thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp từ các thị trường xuất khẩu chính, nguy cơ gian lận thương mại, áp lực cạnh tranh và biến động kinh tế toàn cầu...

Bên cạnh đó, việc trồng rừng gỗ lớn, đủ chất lượng để phục vụ cho ngành sản xuất nội thất trong nước vẫn còn thiếu, trong đó, thiếu cả về số lượng cũng như sự liên kết giữa vùng trồng, vùng nguyên liệu đến các cơ sở sản xuất, đến những giải pháp để đảm bảo sinh kế cho người dân thực hiện trồng rừng gỗ lớn.

Chủ động đón đầu, biến “nguy” thành “cơ”…

Trong bối cảnh các ngành đang đẩy mạnh sản xuất xanh, thương mại xanh, việc gia tăng các biện pháp kỹ thuật với xuất khẩu ngành gỗ là yêu cầu tất yếu, song cũng đang đặt ra các thách thức đối với xuất khẩu gỗ của Việt Nam đòi hỏi ngành gỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp phải có giải pháp ứng phó tốt với vấn đề này.

Hiện, ngày càng nhiều hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết đề cập tới kiểm soát bền vững, chống xuất nhập khẩu gỗ bất hợp pháp. Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ nhiều điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển rừng bền vững, phát triển sản phẩm từ gỗ rõ nguồn gốc và không gây ảnh hưởng đến môi trường...

Đơn cử, các quốc gia châu Âu (EU) đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, Viforest đã hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất giảm phát thải thông qua hoạt động tư vấn cho 6 doanh nghiệp đầu ngành của ngành gỗ về vấn đề giảm phát thải, từ đó lan tỏa ra toàn ngành, hướng tới sản xuất giảm phát thải và coi đây là tiêu chuẩn chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ...

Số hóa quản lý rừng, cấp mã số vùng trồng là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu gỗ. Ảnh: N.Lộc

Số hóa quản lý rừng, cấp mã số vùng trồng là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu gỗ. Ảnh: N.Lộc

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest cho hay, để thực hiện cam kết với quốc tế, trực tiếp là các thị trường tiêu thụ gỗ Việt, Việt Nam phải làm 2 việc: Một là phải tuyên bố thực hành trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ. Hai là thiết lập bằng chứng điện tử về tọa độ địa lý khoảnh rừng/lô khai thác gỗ, đảm bảo không chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng tự nhiên sang rừng trồng hoặc sang các loại cây công nghiệp khác.

“Có rất nhiều chủ thể liên quan đến câu chuyện này, từ nông dân, thương lái, đại lý làm dịch vụ vận chuyển, doanh nghiệp đầu chuỗi chế biến và xuất khẩu ra các sản phẩm xuất khẩu sang EU. Chúng tôi sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn cho tất cả các chủ thể liên quan đến chuỗi cung ứng để đảm bảo thực thi các cam kết một cách nghiêm túc nhất” - ông Hoài cho biết; đồng thời khẳng định, việc thực thi các cam kết này vừa là thách thức, song về lâu dài sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Ông Ngô Sỹ Hoài cũng cho hay, ngành gỗ đã kiến nghị với Bộ NNPTNT phát triển các khu cung ứng, đẩy mạnh vấn đề sản xuất trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng cây gỗ lớn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu về gỗ rừng trồng cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên.

Hiện nay mỗi năm bình quân Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1 - 1,3 triệu m3 gỗ rừng tự nhiên ở các khu vực có rủi ro cao như Campuchia, châu Phi. Do đó, cần giảm lượng nhập khẩu này và đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.

Số liệu thống kê của Viforest cho hay, nguồn cung gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng, chủ yếu cây keo, cung cấp 35 – 40 triệu m3 gỗ/năm (gỗ̃ nhỏ, làm dăm và viên nén); và 900 nghìn ha cao su tiểu điền, cung cấp 3 – 4 triệu m3 gỗ/năm.

Để giải quyết thách thức về chứng minh nguồn gốc gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Lâm nghiệp cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm cấp mã vùng trồng, số hóa quy trình cấp mã số cho vùng trồng rừng, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ tài nguyên rừng của Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Bộ sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu với mục tiêu rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2026 trở đi, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

“Khi mã số vùng trồng rừng theo lô gỗ hợp pháp đi vào chuỗi cung ứng quốc tế, gỗ Việt xuất khẩu sẽ có thêm nhiều cơ hội khởi sắc hơn” - ông Bảo cho biết.

Về phía doanh nghiệp, các ý kiến cho rằng, để tận dụng tốt sự hỗ trợ của Nhà nước, biến thách thức của thị trường thành cơ hội, lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp ngành gỗ cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên năm trụ cột chính là: công nghệ sản xuất, giảm phát thải, quản trị (chuyển đổi số), xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ../.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-go-nhan-dien-thach-thuc-de-ung-pho-chinh-phuc-ky-luc-moi-37643.html
Zalo