Hà Nội: Vùng trồng khoai tây vụ Đông hứa hẹn bội thu

Hà Nội đang tập trung phát triển vùng trồng khoai tây vụ Đông với quy mô lớn tại huyện Mê Linh và Sóc Sơn, các hộ nông dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư và phân bón.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Các huyện, xã, và hợp tác xã được hướng dẫn tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục và nguồn vốn.

Theo đó, các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% lượng giống, 50% khối lượng vật tư, phân bón. Dưới sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội), tất cả các loại vật tư, phân bón hỗ trợ và đối ứng đều đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn chất lượng và đúng thời gian, đảm bảo kịp thời vụ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khảo sát, đánh giá mô hình trồng khoai tây vụ Đông 2024 tại xã Hiền Ninh, Sóc Sơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khảo sát, đánh giá mô hình trồng khoai tây vụ Đông 2024 tại xã Hiền Ninh, Sóc Sơn.

Theo đánh giá từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mê Linh, giống khoai tây Atlantic mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến, năng suất đạt khoảng 21 tấn/ha, với tỷ lệ củ loại 1 chiếm 85 - 90%. Doanh thu trung bình dao động từ 170 - 180 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt hơn 80 triệu đồng/ha. Đến nay, các điểm mô hình khoai đang sinh trưởng phát triển tốt, đang ở thời kỳ phát triển củ. Dự kiến thời gian thu hoạch với các điểm trồng giống khoai Atlantic sẽ vào cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2025 (trước và sau Tết Nguyên đán năm 2025).

Đánh giá cao hiệu quả của mô hình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, giống khoai tây Atlantic có nhiều ưu điểm như củ tròn, đồng đều, bề mặt nhẵn bóng, hàm lượng chất khô cao, rất phù hợp cho công nghiệp chế biến và dễ dàng tiêu thụ.

“Điểm cộng” của mô hình là có doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Cụ thể, giống khoai tây Atlantic trồng tại điểm xã Tự Lập (huyện Mê Linh) được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá từ 6.000 – 8.600 đồng/kg. Với sự liên kết sản xuất, tiêu thụ này đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, vơi nỗi lo “được mùa mất giá””, ông Phương nhận định.

Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xem xét, bổ sung giống khoai tây Julinka vào cơ cấu giống khoai tây của Thành phố và tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ở những năm tiếp theo.

Thông tin về định hướng sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, những năm qua, việc triển khai trồng khoai tây vụ Đông, vụ Đông Xuân tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội mang lại hiệu quả rõ rệt: tăng vụ, tăng diện tích gieo trồng, nâng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị hecta canh tác và giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Do đó, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai các mô hình trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có khoai tây nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực đất nông nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, để đón đầu xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp.

Theo đó, Sở đang phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách; đồng thời nắm bắt vướng mắc khi triển khai nghị quyết để kịp thời kiến nghị giải pháp hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị về thủ tục, nguồn vốn…

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-vung-trong-khoai-tay-vu-dong-hua-hen-boi-thu-d240160.html
Zalo