Kinh tế Mỹ tiếp tục tạo bất ngờ trong năm 2024

Trong vài năm qua, nền kinh tế Mỹ liên tục thách thức các dự báo suy thoái và năm 2024 cũng không ngoại lệ.

Kết thúc năm 2024 mạnh mẽ, nhưng khởi đầu năm sau với nhiều bất ổn

Nền kinh tế Mỹ khép lại năm 2024 với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên, bất chấp sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, lãi suất tăng cao và thị trường lao động "hạ nhiệt".

Tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ vượt qua các quốc gia giàu có trong năm 2024. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ sẽ đạt thành tích tăng trưởng tốt nhất trong các nước G7 trong năm 2024.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước G7 trong năm 2024 và 2025. Nguồn: IMF, Bloomberg

Dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước G7 trong năm 2024 và 2025. Nguồn: IMF, Bloomberg

Tuy nhiên, theo tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận The Conference Board, vô số bất ổn đang bao trùm kinh tế Mỹ vào năm 2025, ám chỉ khả năng hoạt động kinh tế chậm lại đôi chút vào năm tới và rủi ro hai chiều đáng kể.

Mặc dù vậy, The Conference Board vẫn điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 lên 2,7% so với cùng kỳ năm trước (từ mức 2,6%) và 2,0% vào năm 2025 (từ 1,7%). Tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ ước tính sẽ ổn định ở mức tiềm năng là 1,8%.

Lạm phát "hạ nhiệt" chậm

Lạm phát chậm giảm khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải áp dụng cách tiếp cận lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Thật vậy, tiến trình đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed đã bị đình trệ trong những tháng gần đây sau khi giảm nhanh vào năm 2023. Một trong những số liệu lạm phát được Fed ưa chuộng - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - đã tăng 2,8% vào tháng 11, so với một năm trước.

Fed đã quyết định hạ lãi suất xuống 1 điểm phần trăm trong năm 2024 nhằm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định rằng họ cần thấy nhiều tiến triển hơn về lạm phát trước khi thực hiện thêm các đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2025.

The Conference Board lưu ý rằng lạm phát Mỹ sẽ ổn định ở mục tiêu 2% của Fed vào quý IV/2025, muộn hơn so với ước tính ban đầu của quý II/2025. Do đó, Fed có thể đạt được phạm vi mục tiêu lãi suất trung lập là 3,00 - 3,25% vào tháng 10/2025, cũng muộn hơn vài tháng so với dự kiến ban đầu.

Lãi suất cao gây tổn hại

Hai lĩnh vực nhà ở và sản xuất chế tạo tiếp tục vật lộn dưới sức nặng của chi phí vay cao và người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng, vay thế chấp và các khoản vay khác có tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao.

Thị trường nhà ở Mỹ tiếp tục gồng mình trong bối cảnh chi phí vay cao hơn. Lãi suất thế chấp, dù đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 9/2024, nhưng lại tiến gần đến mức 7% do kỳ vọng Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn để cắt giảm. Các nhà phát triển bất động sản tiếp tục đưa ra các ưu đãi để thu hút người mua nhà, bao gồm cả cái gọi là mua giảm thế chấp và thanh toán thay mặt họ, cùng với một số đợt giảm giá.

Mặc dù doanh số bán nhà đã ổn định phần nào trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19. Trên thị trường thứ cấp - chiếm phần lớn giao dịch mua nhà tại Mỹ - Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia dự đoán tốc độ bán hàng năm 2024 thậm chí còn thấp hơn năm ngoái, vốn đã là năm tệ nhất kể từ năm 1995.

Ngành sản xuất chế tạo là một "nạn nhân" khác của lãi suất cao. Việc đầu tư vào các công trình mới bị cản trở bởi lãi suất cao và nhu cầu bên ngoài nước Mỹ suy giảm, và nhiều công ty đã cắt giảm việc làm để tiết kiệm chi phí.

Hơn nữa, chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng có thể gây áp lực lên ngành sản xuất chế tạo Mỹ vào năm 2025.

Mặc dù ông Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy sản xuất chế tạo trong nước, một số nhà kinh tế và doanh nghiệp dự đoán rằng kế hoạch áp dụng thuế quan cao hơn, trục xuất hàng triệu người nhập cư và cắt giảm thuế của ông Trump có thể đẩy lạm phát lên cao và hạn chế thị trường lao động, cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trên nền bất ổn đó, chi tiêu vốn của các nhà sản xuất Mỹ được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm chạp vào năm tới.

Động lực tiêu dùng xuất hiện những vết nứt

Câu trả lời cho lý do tại sao nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong năm 2024 đến từ chính người tiêu dùng trong nước. Ngay cả khi việc làm chậm lại, tăng trưởng tiền lương vẫn tiếp tục vượt qua lạm phát và tài sản hộ gia đình đạt kỷ lục mới, hỗ trợ cho sự mở rộng liên tục trong chi tiêu hộ gia đình.

Nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình Mỹ vẫn mạnh mẽ trong năm 2024. Nguồn: Cơ quan Phân tích Kinh tế (BEA), Bloomberg

Nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình Mỹ vẫn mạnh mẽ trong năm 2024. Nguồn: Cơ quan Phân tích Kinh tế (BEA), Bloomberg

The Conference Board đã điều chỉnh đáng kể tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ trong quý IV/2024 lên 2,0%, từ mức 0,9%. Việc nâng cấp tăng trưởng GDP thực tế phần lớn phản ánh chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ vào tháng 10/2024 bất chấp các cơn bão ảnh hưởng đến nhiều vùng rộng lớn của Mỹ và doanh số bán hàng ngày lễ tăng mạnh mẽ.

Đáng chú ý, doanh số bán hàng hai dịp mua sắm cao điểm "Black Friday" và "Cyber Monday" đã ghi nhận mức cao kỷ lục và doanh số bán lẻ trong tháng 11 rất khả quan. Chi tiêu hộ gia đình Mỹ đang được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ, thu nhập sau thuế tăng, tiết kiệm cao hơn và sự lạc quan.

Tuy vậy, một số động lực chính của tiêu dùng đã xuất hiện những vết rạn nứt. Người Mỹ phần lớn đã cạn kiệt tiền tiết kiệm trong đại dịch Covid-19 và nhìn chung họ đã chỉ dành dụm được một phần nhỏ hơn từ thu nhập mỗi tháng.

Việc tuyển dụng chậm lại trong suốt cả năm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn, làm dấy lên mối lo suy thoái. Hơn nữa, số lượng việc làm giảm và người thất nghiệp ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc tìm việc làm mới.

Tháng 9/2204, Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lo ngại rằng thị trường việc làm có thể đang tiến đến điểm tới hạn nguy hiểm, mặc dù cơ quan tiền tệ Mỹ đã lạc quan hơn trong những tháng cuối năm vì tỷ lệ thất nghiệp đã ổn định quanh mức vẫn thấp theo diễn biến thường gặp.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-te-my-tiep-tuc-tao-bat-ngo-trong-nam-2024-d237423.html
Zalo