Kinh tế Đức có thể rơi vào tình trạng trì trệ trong năm nay
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã không ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể nào trong suốt 5 năm qua, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã suy giảm trong hai năm gần đây.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kinh tế Đức sẽ rơi vào tình trạng trì trệ trong năm nay do phải đối mặt với những trở ngại từ các chính sách thuế quan và đe dọa thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo nhận định của hội đồng cố vấn kinh tế độc lập của chính phủ liên bang.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã không ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể nào trong suốt 5 năm qua, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã suy giảm trong hai năm gần đây.
Trong dự báo kinh tế đầu tiên kể từ khi chính phủ mới của Thủ tướng Friedrich Merz nhậm chức vào đầu tháng này, hội đồng cố vấn nhận định rằng nền kinh tế Đức sẽ trì trệ trong năm nay, sau đó tăng trưởng 1% vào năm 2026. Con số này khác biệt so với dự báo tăng trưởng 0,4% cho năm nay mà hội đồng cố vấn đã công bố hồi tháng 11/2024.
Dự báo mới này phù hợp với nhận định được chính phủ tiền nhiệm đưa ra cách đây một tháng.
Thủ tướng Merz, người vừa nhậm chức ngày 6/5, đã cam kết giảm bớt tình trạng quan liêu, thúc đẩy số hóa, cung cấp các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và thúc đẩy các hiệp định thương mại của châu Âu.
“Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang làm gia tăng bất ổn và gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu,” bà Monika Schnitzer, người đứng đầu hội đồng cố vấn, nhận định.
Tuy nhiên, bà cho rằng gói đầu tư lớn do chính phủ liên minh của ông Merz đưa ra sẽ mang đến cơ hội hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Đức và đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng cao hơn, tức là triển vọng tích cực hơn cho năm tới.
Trong nhiều năm, Đức đã mở rộng xuất khẩu và chiếm lĩnh thương mại toàn cầu với các sản phẩm kỹ thuật như máy móc công nghiệp và ôtô cao cấp. Tuy nhiên, Đức đã chịu áp lực ngày càng lớn từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc và các nhân tố khác. Chính sách thuế quan của Mỹ lại tiếp tục làm gia tăng rủi ro đối với xuất khẩu của Đức.
Năm ngoái, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Đức lần đầu tiên kể từ năm 2015, vượt Trung Quốc sau khi xuất khẩu của Đức sang cường quốc châu Á này sụt giảm./.