Giá vật liệu tăng vọt, thách thức lớn cho nhà thầu và thị trường bất động sản

Giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố đang tạo áp lực lên chi phí xây dựng công trình. Từ đó, ảnh hưởng đến các nhà thầu, mặt bằng giá nhà ở và các sản phẩm bất động sản mới.

Giá vật liệu tăng mạnh tại nhiều địa phương

Thời gian qua, giá VLXD tăng cao và khan hiếm tại nhiều địa phương khiến nhiều nhà thầu, người dân gặp khó, ảnh hưởng tới tiến độ nhiều dự án. Theo khảo sát của phóng viên Báo Xây dựng, tại tỉnh Hà Tĩnh, thép cuộn tăng 160 đồng/kg; thép thanh vằn tăng 195 đồng/kg. Giá xi măng cũng điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/tấn.

Giá VLXD tăng mạnh, nên các nhà thầu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Gạch đặc loại 10 tăng từ 1.420 đồng lên 1.800 đồng/viên; gạch đặc loại 15 từ 2.600 đồng lên 3.000 đồng/viên. Cát thường tăng từ 270.000 đồng lên 320.000 đồng/m3; cát nền từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng/m3; cát đổ bê tông từ 270.000 đồng lên 300.000 đồng/m3.

Tại tỉnh Quảng Nam, việc khan hiếm cát khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi không thể hoạt động, các nhà thầu xây dựng cũng lao đao. Ông Cao Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang cho biết, hơn 10 ngày nay, do giá cát cao và khan hiếm nên công ty không nhập nhiều; bình thường giá cát khoảng 300.000 đồng/m3, nhưng nay đã 650.000 đồng/m3.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, giá đất san lấp nền khoảng 160.000 đồng/m3 vận chuyển đến chân công trình. Đây là mức giá được cho rất cao, tăng 30.000 đồng/m3 so với năm trước. Vì giá tăng mạnh, nguồn cung vẫn khan hiếm, gây đình trệ nhiều dự án quan trọng. Thậm chí, có dự án buộc phải tạm ngừng thi công do thiếu đất.

Tại tỉnh Thanh Hóa cũng tương tự, theo ghi nhận tại một số đại lý VLXD trên địa bàn TP Thanh Hóa, giá cát hiện nay dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/m3, tăng 200.000 - 250.0000 đồng/m3 so với đầu năm.

Thị trường bất động sản cũng than khó

TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, giá VLXD tăng đang tạo áp lực đáng kể lên chi phí xây dựng công trình, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhà ở và các sản phẩm bất động sản mới. Tuy nhiên, mức độ tác động còn tùy thuộc vào từng loại vật liệu, mức độ phụ thuộc nhập khẩu và năng lực sản xuất trong nước.

"Hiện nay, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM và Hà Nội tăng trung bình 4-8% trong 6 tháng đầu năm 2025, trong đó chi phí vật liệu là một trong nhiều yếu tố cấu thành", ông Lượng nhấn mạnh.

Theo Trưởng ban quản lý một dự án khu đô thị tại tỉnh Hà Nam, giá VLXD tăng khiến cho các dự án bất động sản giai đoạn đầu thực hiện đầu tư phải cập nhật lại giá gói thầu, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, nguy cơ vượt tổng mức đầu tư dự án, dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, giá VLXD liên tục tăng cao khiến các dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, chậm tiến độ, dẫn tới thiếu nguồn cung. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Giá cát xây dựng đang tăng đột biến và khan hiếm nguồn cung.

Giá cát xây dựng đang tăng đột biến và khan hiếm nguồn cung.

Cần có biện pháp kiểm soát giá cả và nguồn cung

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, giá VLXD hiện nay đang là vấn đề lớn của ngành xây dựng và các nhà thầu. Bởi, có những vật liệu tăng đến 40% giá trị, như cát xây dựng, gạch đỏ… Không những thế mà còn khan hiếm.

Lý giải về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, giai đoạn 2021-2022, tình hình xây dựng của nước ta đang chậm, khiến lượng tiêu thụ và giá VLXD thấp do không có nhiều công trình. Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, từ việc nhiều thể chế, pháp lý được cởi trói, thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn, số lượng dự án tăng nhanh. Đặc biệt có nhiều đại dự án được triển khai, thu hút số lượng lớn vật tư, vật liệu. Từ đó, vật liệu xây dựng thiếu hụt do ít nguồn cung.

Giá cát và đá xây dựng biến động mạnh trong tháng 5

Giảm thuế xuất khẩu clinker xi măng xuống 5% đến hết năm 2026

Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá thép

Hiện nay, do tình hình vật liệu xây dựng gặp khó khăn, nên các nhà thầu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì tại nhiều dự án hợp đồng ký kết với đơn giá cố định. Nhà thầu tiếp tục làm thì lỗ, còn nếu dừng lại thì thiệt hại cũng rất nặng nề.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách, kế hoạch để tăng nguồn cung VLXD. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra đơn giá VLXD mà các tỉnh công bố có sát với thực tế không, để đảm bảo thuận lợi cho việc thi công của các nhà thầu và tiến độ triển khai công trình.

Trước những khó khăn, nhiều doanh nghiệp xây dựng kiến nghị cần có biện pháp bảo đảm cân đối cung, cầu và bình ổn thị trường VLXD. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ giá cả và nguồn cung VLXD; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh VLXD nhằm ngăn chặn hành vi găm hàng, đẩy giá. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu sớm nâng công suất, tăng lượng cung ra thị trường...

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/gia-vat-lieu-tang-vot-thach-thuc-lon-cho-nha-thau-va-thi-truong-bat-dong-san-192250521234757683.htm
Zalo