Kinh tế châu Âu bên bờ vực suy thoái?

Nền kinh tế châu Âu có vẻ sắp rơi vào một cuộc suy thoái, khi hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Đức và Pháp đối mặt với nhiều thách thức về cả kinh tế và chính trị...

Thế vận hội hồi tháng 8 chỉ là một cú huých nhất thời đối với kinh tế Pháp - Ảnh: Getty/CNBC.

Thế vận hội hồi tháng 8 chỉ là một cú huých nhất thời đối với kinh tế Pháp - Ảnh: Getty/CNBC.

Số liệu công bố ngày 23/9 cho thấy hoạt động kinh tế, cả trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, ở Pháp và Đức đều giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 9. Tại Đức, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp do S&P Global thực hiện giảm từ mức 48,4 điểm trong tháng 8 xuống còn 47,2 điểm trong tháng 9, mức thấp nhất trong 7 tháng và thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng là 48,2 điểm.

Tại Pháp, PMI tổng hợp giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng là 47,4 điểm trong tháng 9, từ mức 53,1 điểm trong tháng 8 và rất thấp so với mức kỳ vọng 50,6 điểm.

Đối với chỉ số PMI, mức điểm trên 50 phản ánh sự tăng trưởng, và mức điểm dưới 50 phản ánh sự suy giảm.

Những dữ liệu này là chỉ báo mới nhất về sự sụt tốc mạnh của nền kinh tế Đức và Pháp, hai đầu tàu tăng trưởng truyền thống của khu vực.

Đối với eurozone nói chung, S&P Global cho biết hoạt động kinh tế đã suy giảm trong tháng 9 lần đầu tiên trong 7 tháng, với chỉ số PMI trượt còn 48,9 điểm từ mức 51 điểm của tháng trước đó.

“Sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI tổng hợp eurozone cho thấy nền kinh tế khu vực đang giảm tốc mạnh, Đức đang suy thoái và cú huých mà kinh tế Pháp nhận được từ Thế vận hội chỉ là nhất thời”, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của công ty Capital Economics, ông Andrew Kenningham, nhận định.

“Với Chính phủ thiểu số ở Pháp đang lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu tài khóa một cách mạnh mẽ, triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Pháp đang ngày càng xấu đi”, ông Kenningham nhấn mạnh và lưu ý rằng đối với Đức, “kết quả khảo sát cũng cho thấy Đức đang rơi sâu vào suy thoái”.

Thực ra, việc Đức suy thoái không phải là tin mới. Nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của Đức đã “chập chờn” giữa suy thoái và không suy thoái trong hơn 1 năm trở lại đây. Trước khi số liệu PMI mới nhất được công bố, giới chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Đức tăng trưởng 0,3% trong năm 2024. Dự báo đưa ra hồi đầu năm nay của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Đức chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong năm nay.

Theo nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của Hamburg Commercial Bank, số liệu PMI mới nhất cho thấy “một cuộc suy thoái kỹ thuật có thể đang diễn ra”. Ông dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức trong quý 3 này giảm 0,2% so với quý trước.

“Trong quý 2, GDP của Đức đã giảm 0,1%. Vẫn có một vài tia hy vọng rằng GDP quý 4 sẽ tốt hơn do tiền lương tăng kết hợp với lạm phát thấp có thể tạo ra cú huých cho thu nhập thực tế và cả tiêu dùng, qua đó hỗ trợ nhu cầu trong nước”, ông Rubia phát biểu.

Từng là hình mẫu về tăng trưởng ở khu vực, Đức giờ đây bị giới chuyên gia kinh tế coi là “kẻ ốm yếu” của châu Âu.

“Nền kinh tế Đức tiếp tục chật vật lấy lại đà tăng trưởng, làm dấy lên mối lo ngại rằng những cơn gió ngược hiện nay là mang tính cấu trúc chứ không chỉ là chu kỳ đơn thuần”, nhà kinh tế Greg Fuzesi của ngân hàng JPMorgan nhận xét. “Không khó để liệt kê ra nhiều thách thức: tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa Trung Quốc, giá năng lượng cao hơn trước kia, cuộc chuyển đổi xanh, sự chuyển đổi trong ngành ô tô, dân số lão hóa và sự chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Fuzesi nhận định. Ông cũng cho rằng giới đầu tư không tin Chính phủ liên minh 3 bên của Đức có thể giải quyết được những thách thức này, và điều đó sẽ “đè nặng lên niềm tin”.

Tại Pháp, sau mấy tháng bất ổn chính trị vì bầu cử sớm, một chính phủ mới vừa được thành lập dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Michel Barnier. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những thách thức tài khóa của nước này cần được xử lý càng sớm càng tốt.

Chính phủ Pháp sẽ phải trình một kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách lên Ủy ban châu Âu (EC) trong vài tuần tới đây nếu muốn tránh các biện pháp kỷ luật của ủy ban. Đó là bởi thâm hụt ngân sách của Pháp, bị Liên minh châu Âu (EU) cho là “quá mức”, tiếp tục phá vỡ các quy định của EU. Tuần này, Pháp đã đề nghị EC gia hạn việc nộp đề xuất giảm thâm hụt ngân sách đến ngày 20/9.

Một số chuyên gia, bao gồm Chủ tịch David Roche của công ty Quantum Strategy, tin rằng chính phủ của ông Barnier khó có khả năng tồn tại được quá 1 năm, dẫn tới việc các cải cách kinh tế và ngân sách cần thiết bị trì hoãn. “Điều này sẽ khiến thâm hụt tài khóa và tình trạng nợ nần của Pháp càng trở nên tồi tệ hơn. Pháp sẽ không tuân thủ các quy định về ngân sách của EU vì sự bế tắc chính trị”, ông Roche nói.

Tại Đức, phe cực hữu cũng đang là một mối đe dọa, khi đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức đã giành kết quả khả quan trong các cuộc bầu cử bang gần đây, trong bối cảnh các vấn đề nhập cư, hội nhập và suy thoái kinh tế trở thành những vấn đề lớn khiến cử tri bất mãn.

Đầu tháng 9 này, nhà sáng lập Ian Bremmer của công ty tư vấn Eurasia Group nhận định các chính đảng trung hữu đang “suy yếu ở hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu”.

“Ở Pháp, phe cực hữu và cực tả đã áp đảo trong bầu cử sớm, nhưng giờ lại đang bị loại ra khỏi một chính phủ thiểu số thiếu sự ổn định do chính trị gia trung hữu Michel Barnier đứng đầu, đồng nghĩa rằng cử tri ủng hộ các phe này đang trở nên giận dữ hơn và lãnh đạo các đảng đó không có trách nhiệm gì trong việc đưa đất nước thoát khỏi những vấn đề hiện nay. Sự sắp đặt như vậy giữ quyền lực cho ông Macron bây giờ, nhưng chỉ khiến các phe phái cực đoan trở nên mạnh hơn trong các cuộc bầu cử sắp tới”, ông Bremmer viết.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-chau-au-ben-bo-vuc-suy-thoai.htm
Zalo