Làm việc tự do: Hạnh phúc có bền lâu?

Ngày càng nhiều nhân sự lựa chọn việc làm tự do bởi sự chủ động và linh hoạt - nhưng liệu sự tự do có thực sự là 'màu hồng' như nhiều người vẫn nghĩ?

Ở tuổi 23, Đinh Trang đứng trước một quyết định quan trọng trong sự nghiệp: lựa chọn con đường an toàn với công việc ổn định ở một tổ chức hay làm nghề tự do. Và Trang chọn con đường thứ hai, trờ thành một người viết tự do và chuyên gia khai vấn chuyên nghiệp.

Trong mắt bạn bè và gia đình, đây là quyết định mạo hiểm, thậm chí là khó hiểu, bởi họ cho rằng làm việc tự do không chỉ đồng nghĩa với thu nhập bấp bênh mà còn không có phúc lợi, bảo hiểm hay chế độ đãi ngộ của một công việc truyền thống.

Nhưng sâu thẳm bên trong, Trang nhận ra mình không phù hợp với cuộc sống văn phòng. Mỗi ngày, chị thấy mình lạc lõng, chìm đắm trong guồng quay công việc lặp đi lặp lại, khiến chị mất dần định hướng và sự hứng khởi trong công việc, như thể mỗi bước đi lại kéo chị ra xa khỏi chính mình.

Trang chia sẻ, sự đơn điệu và thiếu cảm hứng trong công việc đã trở thành một gánh nặng, chị cảm thấy mất kết nối với công việc toàn thời gian, thấy bản thân chững lại sau một vài năm đi làm và khao khát sự thay đổi. Đó là lúc quyết định trở thành người làm nghề tự do - thường gọi là freelancer - nảy sinh, không chỉ với mong muốn thử thách bản thân mà còn là hành trình tìm lại niềm đam mê và khám phá tiềm năng.

Câu chuyện của Trang là một ví dụ điển hình cho xu hướng làm việc tự do ngày càng phổ biến. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới đến tháng 2/2023, số lượng nhân sự làm việc tự do ước tính đạt khoảng 1,57 tỷ trên tổng 3,38 tỷ lao động toàn cầu. Sự tăng trưởng này phản ánh sự thay đổi trong cách các doanh nghiệp và lao động tiếp cận công việc, chuyển hướng sang mô hình linh hoạt và hiệu quả hơn.

Khảo sát Fiverr vào tháng 2/2024 cũng cho thấy, hơn 70% trong số 10.033 người thuộc gen Z - những người sinh năm 1997 - 2012 - trên khắp thế giới được hỏi hiện đang làm nghề tự do hoặc có kế hoạch làm nghề tự do trong tương lai. Với khả năng nhận nhiều dự án, linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, gen Z có thể đảm đương các dự án cá nhân lẫn công việc gia đình mà không phải hy sinh sự tự chủ.

Không chỉ riêng gen Z mới hứng thú với con đường này, ngày càng có nhiều người lao động thuộc các thế hệ khác sẵn sàng từ bỏ công việc cố định để chuyển sang làm tự do. Sức hút của công việc tự do đã vượt qua rào cản thế hệ, trở thành lựa chọn đa dạng và phù hợp cho những ai muốn chủ động về mặt thời gian, theo đuổi đam mê và đạt được sự cân bằng trong cuộc sống.

Tại Việt Nam, Google Trends chỉ ra mức độ quan tâm của từ khóa "Freelancer" dao động từ 60 - 100% mỗi ngày kể từ năm 2022 đến nay. Đặc biệt là giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2023, mức độ quan tâm của từ khóa là 100% trên công cụ tìm kiếm Google. Từ số liệu trên, có thể thấy mức độ quan tâm của thị trường dành cho làm việc tự do ngày càng tăng cao.

Nhu cầu sử dụng freelancer từ phía doanh nghiệp cũng thúc đẩy xu hướng này phát triển. Nếu tỷ lệ nhân lực tham gia vào nền kinh tế tự do thể hiện trong báo cáo của Anphabe năm 2020 là 39%, thì con số này đã tăng lên 44% vào năm 2021 và đạt 57% vào năm 2023 trong nhóm nhân lực trí thức.

Lý do đằng sau sự chuyển dịch

Chia sẻ lý do sẵn sàng từ bỏ sự ổn định của một công việc truyền thống để theo đuổi con đường làm freelancer, Đinh Trang cho biết, ưu điểm lớn nhất của công việc tự do là có thể kiểm soát được thời gian cá nhân và không cần phải tham gia vào các hoạt động tập thể ở văn phòng nếu như không hứng thú. Làm freelancer giúp chị có nhiều thời gian hơn để khám phá bản thân, thử thách các kỹ năng và đam mê cá nhân, điều mà môi trường công ty khó lòng mang lại.

Với Đức Vũ, một nhân viên đồ họa, lý do tài chính là yếu tố hàng đầu khiến anh quyết định chuyển sang làm tự do. Vào thời điểm công việc tự do của anh phát triển thuận lợi nhất, thu nhập mỗi tháng có thể tương đương 2-6 tháng lương của công việc cố định. Chính sự khác biệt này đã giúp anh tự tin lựa chọn con đường tự do, bởi ngay cả khi công việc tự do có gián đoạn, anh vẫn có đủ tài chính để trang trải cuộc sống trong những tháng không có dự án mới.

Là người thuộc thế hệ trước, anh Nguyễn Doãn Huân rời bỏ công việc cố định vì tìm thấy một công việc mới giúp anh phát huy các khả năng của của mình và trên thị trường chưa nhiều người làm. Sau hai năm đầu, thu nhập của anh đã ổn định, cao hơn hẳn so với việc truyền thống.

Bên cạnh đó, anh không chỉ mong muốn một nguồn tài chính tốt mà còn là một môi trường làm việc không bị ràng buộc thời gian, cho phép anh quản lý cuộc sống theo cách riêng, linh hoạt và sáng tạo hơn. Công việc tự do đã mang đến cho anh những khoảnh khắc bận rộn đến không có ngày nghỉ, nhưng cũng có những tuần nhàn rỗi giúp anh có nhiều thời gian hơn cho bản thân.

“Đây là cách mình tận hưởng công việc tự do – không phải là không có ngày nghỉ mà là có quyền tự điều chỉnh nhịp độ công việc theo nhu cầu của bản thân”, anh chia sẻ.

Công việc tự do với tính linh hoạt cao và sự chủ động trong công việc đã thu hút nhiều người trẻ hiện nay. Báo cáo "10 năm nhìn lại xu hướng nhân tài Việt Nam" từ 2013-2023 do Anphabe thực hiện cũng khẳng định sự gia tăng của tiêu chí "làm việc linh hoạt" trong lựa chọn nơi làm việc lý tưởng. Kết quả cho thấy 47% người lao động ưu tiên tiêu chí này, chỉ xếp sau thưởng nóng và thưởng thành tích nổi bật.

Chị Trang Lê, với nhiều năm kinh nghiệm làm giám đốc điều hành trong lĩnh vực du lịch cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy xu hướng này là người lao động, đặc biệt là người trẻ, mong muốn được tự chủ về thời gian và không gian làm việc.

Thay vì bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định, các bạn trẻ muốn có sự linh hoạt để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ cũng muốn thử thách bản thân với nhiều công việc khác nhau, khám phá những khả năng tiềm ẩn và xây dựng một sự nghiệp đa dạng.

Cuối cùng, động lực về tài chính cũng là một yếu tố đáng kể. Mặc dù thu nhập của freelancer có thể không ổn định bằng nhân viên văn phòng, nhưng nhiều người trẻ tin rằng họ có thể đạt được mức thu nhập cao hơn và có cơ hội để xây dựng sự nghiệp riêng.

Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó giám đốc Nabu Global, nhận thấy ảnh hưởng của bối cảnh xu hướng làm việc từ xa và linh hoạt ngày càng gia tăng, kéo theo đó là sự thay đổi trong nhận thức của người lao động về công việc, chính yếu tố này khiến nhiều người lựa chọn trở thành freelancer để có được sự tự chủ và linh hoạt hơn trong cuộc sống.

Từ phía doanh nghiệp, việc linh hoạt sử dụng freelancer trước hết giúp tối ưu hóa chi phí nhân sự bởi doanh nghiệp chỉ cần trả lương khi có nhu cầu thực tế, không phải gánh chi phí cố định cho nhân viên chính thức.

Freelancer thường có khả năng đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu công việc, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án. Bên cạnh đó, việc làm việc với nhiều freelancer khác nhau mang đến sự đa dạng về ý tưởng, giúp doanh nghiệp trở nên sáng tạo hơn. Do đó, các nhà quản trị có thể tận dụng nguồn nhân lực freelancer để linh hoạt trong chi phí và tìm kiếm cơ hội đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường ngày càng biến động.

Những mặt trái của công việc tự do

Công việc tự do có thực sự "màu hồng" như nhiều người vẫn nghĩ là một vấn đề được đặt ra.

“Điều trăn trở nhất là thu nhập không ổn định như khi đi làm văn phòng, mà phụ thuộc vào thực tế lượng công việc mà mình hoàn thành và số lượng khách hàng mà mình đồng hành tại thời điểm đó”, chị Trang bộc bạch.

Dù vậy, chị cho rằng làm freelancer không có nghĩa là phải gắn bó mãi với một nguồn thu nhập duy nhất. Hầu hết các freelancer đều có nhiều nguồn thu nhập, nhiều khách hàng để đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Tự chủ trong công việc giúp chị có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập và tận dụng tối đa thời gian của mình.

"Khác với công việc toàn thời gian, nơi mà người lao động đối mặt với nguy cơ chậm lương, phá sản hay cắt giảm nhân sự, tự do nghề nghiệp mang đến sự an toàn về tài chính. Mặc dù thu nhập hàng tháng có thể không đều, những người làm nghề tự do luôn chủ động về mặt tài chính và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ biến động nào", Trang nhận định.

Chị cũng khẳng định, tự do nghề nghiệp giúp người làm việc độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào, mang đến sự an toàn về tài chính. Quan điểm này trái ngược với nhận định phổ biến về sự thiếu ổn định tài chính trong tự do nghề nghiệp.

Còn đối với anh Huân, khi quyết định từ bỏ công việc ổn định để trở thành freelancer, điều khiến anh lo ngại nhất là tính bấp bênh về tài chính. Nhưng với anh, sự độc lập, tự do trong công việc là yếu tố quyết định. Trước khi chuyển sang làm freelancer, anh Huân đã chuẩn bị một khoản tiết kiệm dự phòng đủ để trang trải cuộc sống trong vài tháng nếu gặp giai đoạn không có việc làm. Đó là cách anh cân bằng giữa sự mạo hiểm của công việc tự do và sự an toàn tài chính.

Mặc dù công việc tự do mang đến sự linh hoạt trong thời gian và giúp Huân có thêm thời gian cho bản thân, anh cũng hiểu rằng sẽ có lúc phải đối mặt với các công việc đột xuất làm gián đoạn thời gian cá nhân.

Khoảng thời gian rảnh rỗi được mọi người tận dụng để đi xả hơi. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Khoảng thời gian rảnh rỗi được mọi người tận dụng để đi xả hơi. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

“Nếu đang nghỉ lễ hoặc công việc phải làm trùng vào ngày sinh nhật của người thân, mình sẽ không nhận việc. Bởi việc kiếm thêm đôi khi không đáng đánh đổi với thời gian cho những điều quan trọng trong cuộc sống”, anh Huân chia sẻ nguyên tắc làm nghề của mình.

Anh cũng cho rằng để làm freelancer thành công, mỗi người cần biết quản lý thời gian và sức khỏe của mình một cách nghiêm túc. Không có lịch làm việc cố định, nếu không kỷ luật, dễ dàng bị cuốn vào làm việc quá sức hoặc ngược lại, dành quá nhiều thời gian nghỉ ngơi.

Có thể thấy hạnh phúc, một khái niệm trừu tượng, mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi cá nhân. Với nhiều người, tiền bạc là thước đo chính xác nhất của hạnh phúc. Tuy nhiên, đối với phần đông những người làm việc tự do, sự tự chủ và độc lập trong công việc là động lực chính giúp họ cảm thấy trọn vẹn. Niềm vui của họ đến từ việc được thỏa sức sáng tạo và theo đuổi đam mê.

Chuyên đề: Quản trị nhân sự Gen Z – Thách thức và cơ hội

Gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chủ chốt với những đặc điểm và kỳ vọng khác biệt. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về thế hệ cũng khiến các doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong việc duy trì sự gắn kết và tối ưu hóa hiệu quả công việc.
Chuyên đề này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những xu hướng, phương pháp và kinh nghiệm từ các nhà quản trị hàng đầu trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân sự Gen Z. Từ việc hiểu rõ nhu cầu và động lực của thế hệ này đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, các bài viết sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ thích ứng mà còn biến thế hệ mới thành động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững.
Chúng tôi hy vọng chuyên đề sẽ mang lại cái nhìn toàn diện và hữu ích để tối ưu hóa quản trị nhân sự Gen Z, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và sáng tạo của doanh nghiệp.

Bài 1: Phá bỏ định kiến, sẵn sàng đón gen Z
Bài 2: Thấu hiểu gen Z: Chìa khóa quản trị hiệu quả nhân sự thế hệ mới
Bài 3: Gen Z mong đợi gì ở nơi làm việc?
Bài 4: Áp lực bủa vây gen Z: Doanh nghiệp cần làm gì để giải tỏa?
Bài 5: Talentnet bày cách tối đa hóa sức mạnh gen Z trong môi trường đa thế hệ
Bài 6: Cách DKSH hóa giải thách thức quản trị nhân sự đa thế hệ
Bài 7: Chiến lược trẻ hóa đội ngũ ở PNJ
Bài 8: Tạo động lực cho gen Z: Đừng để phản tác dụng
Bài 9: Đập tan định kiến: Bản lĩnh lãnh đạo gen Z ở Nabu Global

Ngọc Hân, Vân Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/lam-viec-tu-do-hanh-phuc-co-ben-lau-d37878.html
Zalo