Đổi mới tư duy đào tạo nhân lực trong xu thế mới
Đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cần đổi mới để phù hợp với xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải. Đây là cơ hội, thời cơ cho các trường trong đào tạo nhân lực.
Sáng 12/11, tại Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đào tạo năm 2024 với chủ đề “Đẩy mạnh tự chủ, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, phát triển nông nghiệp sẽ theo hướng hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường. Vì vậy, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cần đổi mới để phù hợp với xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải. Đây cũng chính là cơ hội, thời cơ cho các trường trong đào tạo nhân lực.
Để nắm bắt cơ hội này, các cơ sở đào tạo phải đổi mới tư duy đào tạo trong xu thế mới. Đổi mới tư duy trong quản lý, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo. Bên cạnh việc mở rộng các ngành đào tạo, các môn học cũng cần có sự tích hợp để nâng cao trong hiệu quả kinh tế, chuyên môn, môi trường.
Trước yêu cầu tự chủ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, có 3 nguồn thu cho các cơ sở đào tạo là: học phí, sản phẩm khoa học và vị thế của trường. Các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuy nằm tại các tỉnh nhưng có vai trò, vị thế đại diện cho vùng. Mỗi trường đều có những lợi thế riêng, do đó, để tự chủ được các trường phải phát huy lợi thế này, thay vì chỉ quan tâm từ học phí.
Chia sẻ về xu hướng đào tạo của trường, GS.TS Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang chia sẻ: là 1 trong 4 cơ sở đào tạo đại học thuộc Bộ, trường xác định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Đáp ứng nguồn nhân lực cho khu vực Tây Bắc, ngoài các ngành đào tạo truyền thống, trường đã chú trọng nguồn lực đào tạo cho các khu công nghiệp với các ngành học mới như: tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin. Đặc biệt, trên xu hướng thị trường cũng nằm trên địa bàn gần Trung Quốc nên trường cũng mở thêm ngôn ngữ Trung Quốc. Trường đã dần khẳng định được vị thế, thương hiệu trong đào tạo tiếng Trung.
Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Đưa tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp, trong đó, tỷ lệ đăng ký học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản chiếm từ 12,6 - 40%, tùy từng cấp trình độ đào tạo.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, riêng giai đoạn 2025 – 2027 các cơ sở đào tạo mở thêm các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ đang thiếu vắng như công nghệ chế biến thủy sản, cơ khí chế tạo máy nông nghiệp, hệ thống chuỗi nông nghiệp... Hay khuyến khích mở rộng đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ trong một số lĩnh vực then chốt về chọn, tạo và sản xuất giống; công nghệ di truyền; nuôi công nghệ cao, nuôi hữu cơ, sinh thái; thức ăn, dinh dưỡng; kiểm soát dịch bệnh và an toàn sinh học; quản lý môi trường, xử lý chất thải; chế biến tôm, phụ phẩm; quan trắc, cảnh báo môi trường và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp sinh học...