Kinh tế Cà Mau nhiều khởi sắc
Cà Mau đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, triển khai các chương trình xúc tiến du lịch...
Ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu của Cà Mau đang phục hồi và tăng trưởng mạnh
Tín hiệu tốt cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Quý I/2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh Cà Mau đạt khá, ước tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 8,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,96%; khu vực dịch vụ tăng 2,88%.
Kết quả này đã tạo niềm tin trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng địa phương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý II và cả năm 2022.
Riêng tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt 85 triệu USD; 3 tháng đầu năm đạt 276,5 triệu USD, bằng 25,8% kế hoạch, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong những tháng đầu năm 2022 tăng so cùng kỳ năm 2021.
Tháng 3/2022, toàn tỉnh có 67 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 5.417,7 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/3/2022, toàn tỉnh có 177 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.223,5 tỷ đồng, bình quân 30,6 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Đặc biệt, xuất khẩu phân bón 3 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ (433,4%) do các nước trên thế giới đang dần phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ phân bón ở mức cao; trong khi nhiều nước xuất khẩu phân bón lớn khác hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới và đẩy giá xuất khẩu phân bón lên cao. Tháng 3/2022, xuất khẩu phân bón đạt 50 triệu USD, 3 tháng đầu năm đạt 96,7 triệu USD, vượt 24% kế hoạch.
Xuất khẩu 2 ngành hàng chủ lực trên đà tăng cao góp phần đưa Chỉ số Sản xuất công nghiệp tháng 3/2022 tăng 10,7% so với tháng 2 và tăng 25,3% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 3 vừa qua, Cà Mau thu hút thêm 2 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 25,7 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được 4 dự án với tổng vốn đăng ký 952,2 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 432 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 141.974 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 156,81 triệu USD).
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/3/2022, tỉnh Cà Mau đã giải ngân 364 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bằng 11,5% kế hoạch, tương đương với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (11,9%). Tỉnh đang tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Dự kiến đến cuối tháng 4/2022, Cà Mau giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 25% kế hoạch năm 2022, nhằm tạo đà cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong đó, tập trung thực hiện công tác lập thủ tục và triển khai nhanh; theo dõi, đôn đốc tiến độ của các nhà thầu, chủ đầu tư cũng như công tác thanh, quyết toán của các dự án.
Ghi nhận tại công trình hồ chứa nước ngọt tại xã Khánh An, huyện U Minh (Tiểu dự án 8, Dự án Chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long - Dự án ICRSL, khởi công ngày 8/1/2022), công tác thi công đang được tiến hành rất khẩn trương.
Công trình hồ chứa nước ngọt này có kinh phí đầu tư trên 184 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, là công trình cấp III, xây dựng trên diện tích 102 ha, dung tích 3,85 triệu m3, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Khi dự án hoàn thành, người dân Khánh An và khu vực xung quanh sẽ không còn phải dùng nước không hợp vệ sinh và không phải chịu cảnh thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô như hiện nay.
Nuôi tôm xuất khẩu mang đến thu nhập cao cho người dân tỉnh Cà Mau
Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Năm Căn với tầm nhìn dài hạn
Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Năm Căn. Hội đồng Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2040 vừa thống nhất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2040, trong đó yêu cầu làm rõ chi tiết các nội dung liên quan đến quy hoạch, đầu tư, giao thông, môi trường, tài chính, thương mại, quốc phòng - an ninh…
Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2040 là rất cần thiết và cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng mới với tầm nhìn dài hạn hơn cho Khu kinh tế. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Năm Căn phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển của tỉnh Cà Mau, đặc biệt về kinh tế biển. Trong đó, Khu kinh tế Năm Căn sẽ là hạt nhân của thị xã Năm Căn (đô thị loại III vào năm 2025); xây dựng Khu kinh tế Năm Căn thành khu kinh tế biển đảo, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Khu kinh tế Năm Căn được điều chỉnh quy hoạch lần này với các phân khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - nông nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, các trung tâm tiếp vận (logistics) của tỉnh Cà Mau và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2456/QĐ-TTg ngày 17/2/2013, với diện tích tự nhiên 10.801,95 ha tại huyện Năm Căn (thị trấn Năm Căn, một phần các xã: Hàm Rồng, Đất Mới, Hàng Vịnh). Đến nay, đã có 4 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng được lập với quy mô 1.069,43 ha; 1 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng với quy mô 28,76 ha.
Ngoài ra, còn có các đồ án quy hoạch do huyện triển khai, như: quy hoạch nông thôn mới; 3 phân khu đô thị với quy mô 982 ha và 1 phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái - dịch vụ du lịch quy mô 113,51 ha; 7 đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư với quy mô 465,64 ha.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Với 14 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định giao Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh. Theo đó, tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm, bao gồm:
Một là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND, Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND tỉnh; chủ động, khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ được giao trong quý II; thực hiện tốt, có hiệu quả Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 22/2/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống Covid-19 trên tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể và hiệu quả, thực chất; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng và các trạm y tế lưu động; phối hợp với bệnh viện tuyến trên để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm trong điều trị, phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến người dân điều trị, cách thức sử dụng thuốc khi bị nhiễm bệnh; tập trung theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thuộc nguy cơ cao; tiếp tục thực hiện tốt chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19; triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi; khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Ba là, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Chương trình hành động số 02/CTr-UBND về đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Trong đó, quan tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, đặc biệt là đối với các công trình, dự án trọng điểm; khắc phục tình trạng trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Tăng cường tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch các đô thị như: TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc…
Năm là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2022, đặc biệt là chuỗi sự kiện Cà Mau - Điểm đến năm 2022 và Chương trình Xúc tiến du lịch; tranh thủ các lễ hội, các kỳ nghỉ lớn trong năm để tăng cường quảng bá, thu hút du khách. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa điểm du lịch, đảm bảo kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch kết hợp với việc phục hồi, phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh.