Một Cà Mau bứt phá, vươn mình

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra những động lực mới để tỉnh vươn lên phát triển nhanh, mạnh, đột phá và bền vững trong tương lai.

Cà Mau hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. (Nguồn: Vneconomy)

Cà Mau hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. (Nguồn: Vneconomy)

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tạo lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế kinh tế riêng có của tỉnh. Đồng thời, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, quy hoạch tỉnh Cà Mau có tầm quan trọng đặc biệt, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả, giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

"Cà Mau hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Cà Mau, mà còn lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước", Thủ tướng khẳng định.

3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế

Theo Quy hoạch, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển. Cụ thể, phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội gồm 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng gồm:

Thứ nhất, vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là TP .Cà Mau).

Thứ hai, vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc).

Thứ ba, vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn gắn với Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi gắn với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai).

Đồng thời, tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua hình thành 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (TP. Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi); Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Đầm Dơi - Sông Đốc).

Về các trục liên kết phát triển tạo không gian kết nối, thông suốt gồm: Trục Quốc lộ 1: là trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia đi xuyên qua trung tâm TP. Cà Mau và về đến Năm Căn; Trục kinh tế - đô thị Quốc lộ 63: nối TP. Cà Mau và đi về cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang); Trục kinh tế - đô thị biển ven biển phía Nam nối TP. Cà Mau với thành phố Rạch Giá (Kiên Giang); Trục kinh tế biển, ven biển: khả năng kết nối với đường biển quốc tế và quốc gia; Trục kinh tế - đô thị nội vùng: Từ TP.Cà Mau đi Sông Đốc, thị trấn Đầm Dơi và kết nối với cảng Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) và Trục kinh tế đường thủy Quốc gia.

Ông Lâm Văn Bi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển sắp tới.

Quy hoạch đã tích hợp được những yếu tố mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt của tỉnh, giải quyết các khó khăn, thách thức của tỉnh trong giai đoạn trước. Quy hoạch tỉnh được phê duyệt cũng là căn cứ quan trọng để Cà Mau hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai.

“Điều này không chỉ giúp Cà Mau vươn lên bứt phá, phát triển mạnh mẽ mà còn kết nối với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các địa phương trong cả nước cùng phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Cà Mau phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Petrotimes)

Cà Mau phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Petrotimes)

Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển

Quan điểm phát triển tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bảo đảm dân chủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển. Đồng thời phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển đảo làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện.

Cà Mau phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được mục tiêu trên, Cà Mau ưu tiên cho việc triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh Cà Mau so với các địa phương khác. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng suất, chất lượng và thích ứng của nền kinh tế.

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Mở rộng các hình thức đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và phương thức đầu tư khác phù hợp.

Với kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả, tỉnh sẽ triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển Cà Mau bao gồm: Bến cảng Hòn Khoai (tại đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển), Cảng Năm Căn (huyện Năm Căn), Cảng Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) theo Quy hoạch. Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có chính sách riêng cho tỉnh Cà Mau.

Với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Cà Mau sẽ nỗ lực tạo niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Ngoài ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tin chắc rằng, những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng công tác quy hoạch, định hướng một cách khoa học, bài bản, Cà Mau sẽ tạo được nhiều thành tựu đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tạo bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Vân Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-ca-mau-but-pha-vuon-minh-295376.html
Zalo