Tăng mức tiền phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Việc Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Thủ đô là cần thiết, để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nâng cao ý thức thực hiện tốt công tác vệ sinh ATTP.
Ngày 28/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường chủ trì Hội nghị.
Tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe
Trình bày dự thảo Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố và Nghị quyết của HĐND Thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với lĩnh vực ATTP và triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở đã báo cáo UBND Thành phố xem xét, đề nghị Thường trực HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương ban hành Nghị quyết, theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Cụ thể, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực ATTP. Mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính là mức tối đa theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024.
Việc đề xuất mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan ATTP, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thời gian qua, công tác ATTP luôn được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo sát sao. Sở Y tế Hà Nội cùng các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP các cấp.
Trong năm 2023, đã kiểm tra 86.689 cơ sở, xử phạt vi phạm 10.750 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là hơn 17 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra 44.302 cơ sở, xử lý vi phạm 6.114 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng...
Góp ý vào các dự thảo Tờ trình và Nghị quyết, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, thành viên các hội đồng thành viên của MTTQ Việt Nam Thành phố đều cho rằng, vệ sinh ATTP luôn là lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp sức khỏe và tính mạng của nhân dân, tuy đã có những chế tài xử phạt, nhưng chưa đủ sức răn đe.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác vệ sinh ATTP.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, bà Bùi Thị Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Y học thành phố Hà Nội cho rằng, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn Hà Nội dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng công tác xử lý chưa triệt để, nhiều hành vi vi phạm thường xuyên tái diễn ở nhiều nơi. Ngày càng nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất cấm trong chế biến nông, thủy sản… Các thực phẩm không rõ nguồn gốc, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang để lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn.
“Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ATTP, việc HĐND Thành phố ban hành Nghị định quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực này trên địa bàn là rất cần thiết”- bà Bùi Thị Hiệp khẳng định.
Tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở
Phản biện vào Dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu kiến nghị, để thực hiện tốt Nghị quyết, cần bổ sung những biện pháp thiết thực hơn như: Tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh ATTP, khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân, có hình thức khen thưởng những cá nhân phát hiện hành vi vi phạm vệ sinh ATTP; bảo đảm các điều kiện để chính quyền cơ sở có đủ sức kiểm tra, giám sát.
Hơn nữa, với những hành vi xử phạt tại Điều 3, cần có phân chia mức phạt, bởi Luật Thủ đô chỉ quy định mức phạt không quá 2 lần, không có nghĩa hành vi nào cũng là 2 lần, mà cần có sự phân chia nặng nhẹ để tránh phát sinh tiêu cực.
Ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng, để thực hiện Nghị quyết được thuận lợi, nên có phụ lục kèm theo, chú trọng khâu tuyên truyền và tăng cường phân quyền cho chính quyền cấp phường.
Ghi nhận toàn bộ ý kiến phản biện sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, thành viên các hội đồng thành viên của MTTQ Việt Nam Thành phố, đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị đơn vị soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Tờ trình và Nghị quyết sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; bổ sung phụ lục quy định những hành vi phải xử phạt và mức phạt sau khi áp dụng Nghị quyết.
“Cùng đó, cần đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề vệ sinh ATTP một cách thường xuyên, chặt chẽ hơn và tăng hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, trong đó có cả vai trò của MTTQ. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng về những hành vi vi phạm ATTP”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị.