Kinh ngạc với nghệ thuật Sampuru mô phỏng thức ăn siêu thực của Nhật Bản
Sampuru - nghệ thuật mô phỏng các món ăn của Nhật Bản - từ vai trò ban đầu là một công cụ tiếp thị đã phát triển thành một nghệ thuật mang tính biểu tượng, một điểm nhấn của văn hóa xứ Phù Tang.

Các mô hình Sampuru trưng bày tại một nhà hàng ở Nhật Bản. (Nguồn: anaexperienceclass)
Ẩm thực Nhật Bản luôn nổi tiếng bởi sức hấp dẫn về hình thức với các thành phần được sắp xếp và kết hợp một cách nghệ thuật đến mức một bữa ăn có thể trở thành một bữa tiệc cho cả thị giác lẫn vị giác.
Đối với những du khách lần đầu đến Nhật Bản, nếu không được giới thiệu trước, họ sẽ bị đánh lừa bởi dãy đồ ăn hấp dẫn bày bên trong các cửa sổ nhà hàng như kiểu vừa được chế biến xong tức thì. Từ mỳ ramen, bánh mỳ kẹp thịt, tempura, sushi tươi rói đến pizza, bánh ngọt… đều có thể khiến bất cứ ai cũng thấy nổi lên cơn thèm ăn ngay khi chạm mắt.
Nhưng hãy kiềm chế sự cám dỗ được cắn một miếng bởi đây hoàn toàn không phải đồ ăn thật mà chỉ là những bản sao tinh xảo mô phỏng thực đơn của nhà hàng.

Thật khó tin đây là thức ăn giả làm bằng nhựa. (Nguồn: ana-cool japan)
Những bản sao mô phỏng này được gọi là Shokuhin Sampuru (nghĩa đen là "món ăn mẫu") – một nét văn hóa độc đáo, một ngành nghề thủ công tinh xảo đóng vai trò quan trọng trong ngành ẩm thực và du lịch của xứ Phù Tang.
Sự khởi đầu của Sampuru
Nguồn gốc của Sampuru bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, khi các nhà hàng Nhật Bản tìm cách giúp thực khách dễ dàng hình dung món ăn trước khi gọi món. Theo một số tài liệu, vào năm 1917, những mẫu thức ăn giả đầu tiên được làm bằng sáp, nhưng công nghệ này còn rất sơ khai và dễ bị biến dạng dưới nhiệt độ cao.
Đến năm 1932, nghệ nhân Takizo Iwasaki được cho là người tiên phong trong việc phát triển Sampuru theo hướng hiện đại. Một lần, Iwasaki sử dụng sáp nến để tạo ra mô hình của món ăn omurice (trứng tráng với cơm và sốt cà chua), vợ ông sau đó không thể phân biệt được nó với một món ăn thật.

Phiên bản Sampuru về món trứng tráng của nghệ nhân Takizo Iwasaki.
Sau đó, Takizo Iwasaki đã thử nghiệm tạo ra các mẫu thức ăn giả bằng sáp và dần hoàn thiện kỹ thuật để mô phỏng kết cấu, màu sắc của thực phẩm thật một cách tinh xảo và Sampuru nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong ngành ẩm thực Nhật Bản.
Trong thời kỳ hậu Thế chiến II, khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, các nhà hàng bắt đầu cạnh tranh để thu hút khách hàng, và việc trưng bày thức ăn mô phỏng trở thành một chiến lược tiếp thị hiệu quả. Khi công nghệ sản xuất tiến bộ, sáp được thay thế bằng nhựa PVC bền hơn, giúp kéo dài độ bền của các mẫu thức ăn mô phỏng mà vẫn giữ được sự chân thực.
Điều thú vị là mỗi mô hình thức ăn không chỉ là một bản sao hoàn hảo mà còn được thiết kế để thể hiện sự tươi ngon ngay cả khi nó không thể ăn được. Từ lát sushi óng ánh đến bát mì ramen với nước dùng trong veo và sợi mỳ "đang bay," tất cả đều mang đến một cảm giác chân thật khó tin, kích thích sự thèm ăn của người xem.
Bí mật đằng sau những món ăn giả hoàn hảo
Việc tạo ra một mẫu Sampuru không đơn giản mà thực sự là một môn nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo và mắt nhìn tinh tế của các nghệ nhân.
Quá trình này bắt đầu với việc các nhà hàng mang món ăn đến để nghệ nhân chụp hình, vẽ phác thảo và tạo khuôn bằng silicon cho mô hình, sau đó đổ nhựa vinyl vào khuôn.
Tiếp đó là công đoạn quan trọng nhất: các nghệ nhân phải vẽ các chi tiết của sản phẩm hoàn toàn bằng tay. Họ phải kiểm tra từng chi tiết của thực phẩm thực tế và sử dụng bút vẽ loại sơn gốc dầu vẽ các màu sắc của mô hình, thể hiện độ mềm và kết cấu của thực phẩm giống y hệt như thật.

Mọi chi tiết của mô hình đều thể hiện độ mềm và kết cấu của thực phẩm giống y hệt như thật. (Nguồn: ana-cool japan)
Các bản sao mô phỏng chính xác mọi chi tiết của món ăn, từ màu sắc, vết cháy cạnh trên miếng thịt nướng, lớp sốt bóng loáng, độ sần của đậu đỏ, sự khác biệt giữa các mức độ nấu chín của bíttết… đều được nghệ nhân tinh chỉnh tỉ mỉ bằng tay.
Mỗi mô hình đều được làm thủ công và độc đáo theo yêu cầu của từng nhà hàng, bởi mỗi nhà hàng có cách bày trí và nguyên liệu khác nhau.
Mặc dù có những công ty sản xuất hàng loạt mô hình thức ăn mô phỏng với giá rẻ hơn, nhưng các mẫu Sampuru làm thủ công vẫn được ưa chuộng, dù giá của chúng có thể cao gấp 10-20 lần so với món ăn thật.
Từ công cụ tiếp thị trở thành biểu tượng văn hóa
Tính ứng dụng của Sampuru đã phát triển vượt xa mục đích ban đầu là sử dụng trong các nhà hàng. Ngày nay, Sampuru còn được sử dụng trong các buổi chụp ảnh quảng cáo, phục vụ các mục đích giáo dục, là đồ trang trí nhà bếp, đồ lưu niệm, ốp điện thoại, móc đeo chìa khóa…
Từ một công cụ tiếp thị cho các nhà hàng, Sampuru đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, không chỉ phản ánh sự sáng tạo của người Nhật mà còn truyền tải văn hóa ẩm thực của Đất nước Mặt trời mọc ra thế giới.

Du khách nước ngoài thích thú làm Sampuru tại Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)
Cho dù công nghệ số phát triển mạnh mẽ với thực đơn điện tử và hình ảnh 3D, Sampuru vẫn giữ được vị thế của mình nhờ tính chân thực mà không màn hình nào có thể thay thế. Thậm chí, nhiều công ty còn mở các lớp thực hành làm Sampuru để du khách có thể tự tay tạo ra món ăn giả của riêng mình từ sáp nóng chảy.
Ẩm thực Nhật Bản, sự tinh xảo của Sampuru và những trải nghiệm thú vị khi tự tay thực hiện hình thức nghệ thuật sáng tạo này là các lý do khiến nhiều du khách nước ngoài muốn quay trở lại Nhật Bản không chỉ một lần./.