Kinh doanh SGK Cánh Diều lãi lớn, nhận diện VEPIC của Chủ tịch Ngô Trần Ái

CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam, gọi tắt là VEPIC là đơn vị đang sở hữu bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên của Việt Nam mang tên Cánh Diều. Sự phát triển của VEPIC có dấu ấn từ Nhà xuất bản Giáo dục và gắn với Chủ tịch Ngô Trần Ái.

Đơn vị này đã liên tục ghi nhận thua lỗ kể từ khi bắt đầu thành lập vào năm 2016. Đến năm 2020, ngay khi bộ sách Cánh Diều được mở bán, kết quả kinh doanh của công ty đã cho thấy lợi nhuận tăng vọt thêm 36,9 tỷ đồng. Từ chỗ thua lỗ 14,4 tỷ trong năm 2019, VEPIC đã có lãi 22,5 tỷ ngay trong năm 2020.

Thực tế, qua tra cứu dữ liệu doanh nghiệp thì nguồn gốc ra đời của VEPIC cũng có liên quan tới NXB Giáo Dục Việt Nam và tới nay, cổ đông của VEPIC đã có nhiều sự thay đổi nhưng Chủ tịch HĐQT là ông Ngô Trần Ái lại là nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc NXB Giáo Dục Việt Nam.

Công ty đầu tiên làm sách giáo khoa xã hội hóa lại có gốc từ NXB Giáo Dục.

Thành lập từ nguồn vốn của 3 công ty con thuộc NXB Giáo Dục Việt Nam

CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) thành lập từ ngày 27/7/2016. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 34,56 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông ban đầu gồm 3 cổ đông tổ chức chính là: CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SED) nắm 34,72% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng(DAD) nắm 17,36%vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (EID) nắm 34,72% vốn điều lệ. Tổng 3 đơn vị trên nắm giữ 86,8% vốn điều lệ của VEPIC lúc mới thành lập.

Trong bản Công bố thông tin năm 2016 của NXB Giáo Dục Việt Nam thì tại thời điểm cuối năm 2016, NXB Giáo Dục Việt Nam đều đang nắm khoảng 40% vốn điều lệ của 3 công ty này. Như vậy, có thể nói rằng VIPEC được thành lập với phần lớn nguồn vốn gián tiếp của NXB Giáo Dục Việt Nam.

Chỉ vài tháng sau đó, VEPIC đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ lên thành 108,7 tỷ đồng. Nguồn vốn góp thêm là của ai? Số thực góp ra sao? Và cơ cấu cổ đông được thay đổi như thế nào không được công khai tại thời điểm đó.

Sau thời điểm tăng vốn điều lệ, vào đầu 2017, người đại diện của VEPIC cũng đã được chuyển từ ông Lê Thành Anh (Sinh năm 1974) sang cho ông Ngô Trần Ái (sinh năm 1951), ông Ái nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc NXB Giáo Dục Việt Nam.

Đến tháng 4 năm 2017, Nghị quyết HĐQT của VEPIV tiếp tục thông qua việc giảm 50% vốn góp của 3 Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục nói trên. Một nửa số tiền vốn góp đã được chuyển trả lại cho nhóm công ty con của NXB Giáo Dục Việt Nam

Như vậy, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của 3 cổ đông tổ chức, vốn là các công ty con của NXB Giáo Dục đã bị pha loãng đáng kể. NXB Giáo Dục Việt Nam đã không còn nắm cổ phần chi phối và “nhóm cổ đông mới” cũng đã thế chân nắm lượng lớn cổ phần.

Sự xuất hiện của nhóm cổ đông cá nhân liên quan

Được biết, ông Ngô Trần Ái, sinh năm 1951, từng giữ chức vụ Giám đốc của NXB Giáo Dục Việt Nam từ năm 1999, Tổng giám đốc của NXB Giáo Dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 6/2014, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hội đồng quản trị NXB Giáo Dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 3/2015, Cố vấn cao cấp Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo làm SGK mới NXB Giáo Dục Việt Nam từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016.

Trong năm 2016, VEPIC đã được thành lập từ vốn của 3 công ty con thuộc NXB Giáo Dục Việt Nam và ông Ngô Trần Ái nắm vị trí Chủ tịch HĐQT của VEPIC kể từ đó đến nay.

Theo thuyết minh BCTC năm 2022 của VEPIC thì cơ cấu cổ đông đang được ghi nhận như sau: Ông Nguyễn Việt Phương nắm 5,52%; Ông Phạm Thanh Nam nắm 12,3%; Ông Ngô Trần Nha Thy nắm 4,12%; Bà Đoàn Phùng Thúy Liên nắm 17,1%; Ông Lê Thanh Sơn nắm 11,96%; Ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa nắm 17,76%; Các cổ đông khác nắm 31,24%.

Cơ cấu cổ đông này không hề nhắc tới lượng cổ phần mà ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT VEPIC đang nắm giữ. Tuy nhiên, có 3 cái tên đáng chú ý là Bà Đoàn Phùng Thúy Liên (17,1%), bà Ngô Trần Nha Thy (4,12%) và ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa (17,76%).

Trong 3 cổ đông trên thì ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa đang là Phó TGĐ của VEPIC. Còn bà Ngô Trần Nha Thy cũng đang là Phó Giám đốc Chi nhánh VEPIC tại TP. Hồ Chí Minh cũng đồng thời là cổ đông sáng lập của VEPIC.

Theo thể hiện trên thuyết minh BCTC 2022 của VEPIC, đơn vị này đã tạm chi cổ tức, lợi nhuận đầu năm là 23,3 tỷ đồng. Tổng lượng cổ phần mà 3 cổ trên nắm giữ là 38,98%. Như vậy, chỉ tính riêng 3 cổ đông trên đã được VEPIC tạm ứng khoảng 9,1 tỷ đồng cổ tức từ đầu năm 2022.

Nhật Minh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/kinh-doanh-sgk-canh-dieu-lai-lon-nhan-dien-vepic-cua-chu-tich-ngo-tran-ai-20180504224286825.htm
Zalo