Tạo điều kiện tốt để người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

Bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, Công an tỉnh An Giang thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác dân vận, an sinh xã hội, chú trọng giúp đỡ các đối tượng được đặc xá, tha tù trở về địa phương nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn sinh sống, không tái phạm tội.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới, Công an tỉnh An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo do Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách lĩnh vực QLHC về TTXH làm Phó trưởng ban và 19 đồng chí Ủy viên là lãnh đạo các phòng, ban của Công an tỉnh.

Hiện tổng số người chấp hành xong án phạt tù chưa xóa án tích đang quản lý trên địa bàn tỉnh An Giang là 3.971 người. Trong đó, đã có hàng trăm trường hợp được hỗ trợ giúp đỡ, hỗ trợ cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm; trên 1.500 trường hợp được hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú; trên 1.500 người được trợ giúp về tâm lý bằng nhiều hình thức…

Nhiều mô hình tái hòa nhập cộng đồng được Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn An Giang xây dựng, triển khai, duy trì và phát huy hiệu quả. Điển hình như mô hình "Lực lượng phòng, chống tội phạm chăm lo cho con can, phạm nhân" của Công an tỉnh ra mắt vào tháng 5/2023. Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể huy động các nguồn lực giúp đỡ con các can, phạm nhân thông qua kinh phí tài trợ từ nguồn xã hội hóa, phê duyệt các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành, đảm bảo duy trì thực hiện mô hình một cách bền vững và ngày càng phát huy hiệu quả.

Đã có 28 trường hợp chưa thành niên là con của can, phạm nhân đang bị tạm giam để điều tra, chấp hành án phạt tù (trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ mất, chỉ còn cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng mà bị bắt, giam giữ thi hành án) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần để vượt khó, học tập. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tiến hành rà soát bổ sung 20 trường hợp vào diện cần hỗ trợ.

Cán bộ Công an tỉnh An Giang cùng các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình các can, phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Cán bộ Công an tỉnh An Giang cùng các tổ chức đoàn thể thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình các can, phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình "Lực lượng phòng, chống tội phạm chăm lo cho con can, phạm nhân" được xây dựng và triển khai thực hiện với mục đích giúp đỡ gia đình người phạm tội vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho các em được chăm lo, học hành. Qua đó tác động cảm hóa, giáo dục đối với can, phạm nhân trong quá trình khai báo và chấp hành tốt các quy định về tạm giam, thi hành án.

"Quỹ doanh nhân với ANTT" được Công an huyện Tri Tôn thành lập 2011, đến nay đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp gần 1 tỷ đồng để xoay vòng giải ngân vốn cho 90 lượt người hoàn lương có "cần câu cơm" trong lao động, sản xuất. Sau khi được vay vốn của mô hình, những người hoàn lương sử dụng nguồn vốn để chăn nuôi, mua bán nhỏ bước đầu giải quyết những khó khăn trước mắt, tạo công ăn việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Anh Lê Hoài Phong (ấp Tân Bình, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) sau khi trở về địa phương đã vay vốn 20 triệu đồng để mở tiệm sửa xe tại nhà, công việc phát triển, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, hiện anh đang dạy nghề cho 2 người khác trên địa bàn. Hay anh Chau Sa Vuone (khóm 3, thị trấn Tri Tôn) đã được hỗ trợ vay vốn từ mô hình với số tiền 15 triệu đồng để bán cá lóc nướng tại chợ Tri Tôn. Hiện, anh Vuone đã có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Triển khai từ tháng 7/2017, mô hình "Tổ cảm hóa giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng" ở thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân đã góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa tái phạm trên địa bàn. Từ khi mô hình được thành lập đến nay, trên địa bàn thị trấn Chợ Vàm không có trường hợp tái phạm tội.

Công an huyện Thoại Sơn đã triển khai và duy trì "Họp mặt người hoàn lương" từ năm 2010 và duy trì cho đến nay. 14 năm qua, mỗi dịp Tết đến Xuân về, buổi họp mặt thu hút trên 150 người hoàn lương tham dự. Qua họp mặt, Công an huyện cũng như đơn vị chức năng liên quan nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù.

Cán bộ Công an làm công tác dân vận đã đến từng nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà, qua đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến về tái hòa nhập cộng đồng, như: anh Trần Văn Dũng (thường trú xã Định Thành) nhận dời nhà, sửa chữa nhà, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; anh Đặng Hùng Cường (ngụ xã Vĩnh Trạch) đã phát triển kinh tế gia đình bằng chính sự chăm chỉ lao động, sản xuất, vườn ớt của gia đình anh cho thu nhập cao, là mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương…

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tao-dieu-kien-tot-de-nguoi-hoan-luong-tai-hoa-nhap-cong-dong-i737336/
Zalo